'Tranh cãi' biểu hiện của Tổng thống Putin trước đồng cấp Belarus: Chiến thuật hay chiến lược?

Hiện đã bước sang tuần thứ 6 và vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", phong trào biểu tình bắt đầu nổ ra sau khi giới chức Belarus công bố ông Lukashenko giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/8. Phe đối lập cáo buộc cuộc bầu cử là lừa dối trong khi Liên minh Châu Âu và Mỹ nhận định, quá trình bỏ phiếu thiếu công bằng và tự nguyện.

Tờ LA Times đăng tải, trong những hỉnh ảnh phát sóng trên truyền hình ghi lại khoảnh khắc ban đầu của cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Belarus tại thành phố Sochi (Nga), ông Lukashenko đã gần như nghiêng hẳn về phía Tổng thống Putin và thể hiện một thái độ rất thân thiết. Ông gọi Nga là "người anh lớn" của Belarus.

Trong khi đó, dường như ông Putin lại tỏ ra không quá nhiệt tình và có phần thờ ơ. Người đứng đầu Điện Kremlin thậm chí còn dậm nhẹ chân.

Tổng thống Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc gặp gỡ ngày 14/9 tại Sochi (ảnh: AP)

"Ông Putin cảm thấy rất khó để che giấu sự thiếu kiên nhẫn của mình", chuyên gia về quan hệ Nga – Belarus từ tổ chức tư vấn chính sách Chatham House là Keir Giles đánh giá. "Ông ấy có vẻ không thích thú gì".

Tuy nhiên, cả ông Gile và các chuyên gia khác đều phải đồng ý rằng, đối với một "bậc thầy" chính trị như Tổng thống Putin, bất kỳ sự thể hiện bề ngoài nào, đặc biệt là trước ống kính camera – có lẽ đều đã được tính toán kỹ lưỡng.

Theo nhà nghiên cứu tới từ Oxford (Anh) Aliaksandr Herasimenka, nhà lãnh đạo Nga "luôn tìm kiếm các cơ hội". Có khả năng, ông muốn tận dụng những điểm bất lợi của Tổng thống Lukashenko nhằm tìm kiếm các nhượng bộ kinh tế và chính trị, như tăng cường hòa nhập giữa hai quốc gia (điều mà giới lãnh đạo Belarus luôn kháng cự).

Về lâu dài, ông Putin có thể sẽ không còn muốn ủng hộ cho ông Lukashenko – một người đã nắm quyền lực trong suốt 26 năm. Tuy nhiên cùng lúc giới phân tích chỉ ra, Tổng thống Nga cũng không muốn chứng kiến quốc gia láng giềng được kiểm soát bởi một nhà lãnh đạo phe đối lập. Khả năng này có thể sẽ đem lại thêm rắc rối cho chính nội bộ nước Nga.

Vì vậy, các kết quả được công bố sau cuộc gặp giữa hai tổng thống – bao gồm cả việc gia hạn khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD của Moscow cho Minsk và lời hứa từ ông Putin sẽ thực hiện các nghĩa vụ trong hiệp ước của Nga – thể hiện một thái độ không nóng và cũng không lạnh.

Người đứng đầu Điện Kremlin ca ngợi đề xuất cải cách hiến pháp của ông Lukashenko là hợp lý trong khi phe đối lập tại Belarus gọi nó là một "lời hứa rỗng tuếch". Mặc dù từng tuyên bố Nga sẽ cử lực lượng cảnh sát sang Belarus để hỗ trợ đối phó với người biểu tình bạo động nhưng ông Putin giờ đây cho hay, việc đó là không cần thiết ở thời điểm hiện tại. Ông cũng nhấn mạnh, lính nhảy dù Nga đang tham gia tập trận chung với quân đội Belarus, sẽ rời đi sau khi sự kiện kết thúc.

Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko không phải là không có con bài mặc cả của mình. Ông hiểu rằng, người đồng cấp Putin coi Belarus là một vùng đệm quan trọng giữa Nga và phương Tây. Belarus cũng nằm trên con đường xuất khẩu năng lượng từ Nga tới châu Âu. Cựu thành viên Liên Xô còn có trữ lượng tài nguyên dồi dào và một phần lớn trong số đó đang được kiểm soát và khai thác bởi những cá nhân rất thân thiết với Moscow.

Hôm Chủ nhật (13/9), hàng chục nghìn người dân tại thủ đô Minsk đã tham gia một trong những cuộc biểu tình lớn nhất cho tới thời điểm hiện tại ở Belarus. Chính quyền cũng huy động số lượng cảnh sát lớn chưa từng có để ngăn cản tình trạng bạo loạn bùng phát.

Đáng chú ý, trong khi những người biểu tình vẫn giữ vững lý tưởng và khẩu hiệu của mình, gần như hầu hết các nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng đều đang bị giam giữ hoặc bị trục xuất khỏi đất nước.

Phe đối lập Belarus cũng hoan nghênh thái độ của một số tổ chức và thể chế phương Tây, bao gồm quyết định của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đồng ý tổ chức một "cuộc thảo luận khẩn cấp" liên quan tới phong trào biểu tình tại Belarus. Giới ngoại giao nước ngoài tại Minsk cũng tổ chức mít tinh ủng hộ cây bút đoạt giải Nobel của Belarus là Svetlana Alexievich. Bà Alexievich là thành viên duy nhất của phe đối lập vẫn chưa bị bắt giữ và hiện vẫn còn sống tại Belarus.

Tuy nhiên, may mắn dường như vẫn mỉm cười với Tổng thống Lukashenko. Các lệnh trừng phạt dự kiến của EU lại chưa thể có hiệu lực do nội khối còn đang "mải" tranh cãi xung quanh vấn đề đảo Cyprus.

Theo chuyên gia Giles, chiến lược của ông Putin có thể là tránh công khai cắt đứt quan hệ với đồng cấp Lukashenko nhưng cùng lúc lại lặng lẽ chuẩn bị cho một sự chuyển giao quyền lực mới trong giới lãnh đạo Belarus. Tuy nhiên, ông Herasimenka lại cho rằng, có khả năng Tổng thống Putin chỉ đang cố gắng kéo dài thời gian mà chưa muốn có một hành động cụ thể nào.

"Đối với ông ấy, đó là vấn đề chiến thuật thay vì là chiến lược", nhà nghiên cứu từ Oxford nói. "Tôi cũng không thể biết được ông ấy sẽ làm gì".


Nguồn: Báo Tổ Quốc