Anh Lê Văn Chinh hiện 34 tuổi nhưng đã hai lần rút bảo hiểm. Lần rút đầu vào năm 2012 khi anh mới đi làm được hai năm công ty bị cháy, bản thân mất việc. Lần thứ hai anh rút khi đi làm lại được 7 năm bố mẹ ở quê báo cần tiền sửa nhà.
"Tôi nghĩ ngay đến bảo hiểm vì mình chẳng có khoản để dành nào", anh Chinh nói. Anh nghỉ việc, nhận trợ cấp thất nghiệp, xin làm thời vụ và chờ đủ năm rút tiền. Sau hai lần nhận trợ cấp một lần, anh xin vào làm công nhân nhà máy giày Thông Dụng (Bình Dương), tiếp tục quá trình đóng bảo hiểm thứ ba.
Anh Chinh là một trong gần 4,85 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần giai đoạn 2016-2022, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chia theo độ tuổi, nhóm rút đông nhất tập trung từ 30-40 tuổi với hơn 40%. Tỷ lệ này ở nhóm 20-30 tuổi đứng thứ hai với trên 37%. Hầu hết có thời gian tham gia dưới 10 năm.
Cơ quan này đánh giá việc hưởng BHXH một lần sớm có thể tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân ở giai đoạn tuổi trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là hưởng lương hưu khi già. Phần nữa cũng do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng BHXH một lần bình quân còn trẻ.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy nhiều lao động sau khi rút đã quay lại đóng tiếp nhưng cũng có nhiều trường hợp tiếp tục rút 2-3 lần. Cụ thể, đã có 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH nhưng có đến 907.000 lao động rút hai lượt và hơn 61.000 người rút ba lượt.
Theo anh Chinh, người đã rút một lần "rất dễ rút lần hai, ba" bởi lương khởi điểm của lao động trẻ thấp nên nghỉ việc không tiếc. Một công nhân làm 2-3 năm quyết định nghỉ việc rút, sau đó quay lại công ty, lương khởi điểm cũng không chênh lệch nhiều. Mỗi khi kẹt tiền họ lại nghĩ đến khoản đóng bảo hiểm.
"Thu nhập 10 triệu mỗi tháng còn đắn đo, lương công nhân trẻ 4-5 triệu thì không phải suy nghĩ nhiều", anh Chinh nói.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch công đoàn Công ty may Song Ngọc (quận Bình Tân), cho rằng lao động trẻ hay rút một lần vì nhu cầu trước mắt của nhóm này khá cao nhưng lại chưa có tích lũy. Chứng kiến nhiều công nhân nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm, ông đã khảo sát để tìm nguyên nhân, có được đáp án "đến 90% nói lấy tiền mua điện thoại, xe máy, chỉ một số ít thực sự khó khăn cấp bách".
Theo ông Sơn, một số lao động trẻ thiếu kiến thức an sinh xã hội, mơ hồ về chính sách nên dễ bị tác động. Tuy nhiên cũng có người lại tính rất kỹ. Hiện, lương hưu tính trên toàn bộ quá trình tham gia. Những công nhân làm việc 10-15 năm trước mức lương làm căn cứ đóng thấp, gần như dựa trên tối thiểu vùng.
"Họ nghỉ việc rút một lần giai đoạn lương thấp, đem tiền gửi ngân hàng rồi đi làm đóng tiếp", ông Sơn nói. Đặc biệt khi số năm đóng tối thiểu dự kiến giảm xuống còn 15 năm, tuổi hưu lên 60 với nữ và 62 với nam thì những lao động 35 tuổi vẫn còn 25 năm để bắt đầu quá trình tham gia mới.
Nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam về BHXH một lần cũng chỉ ra phần lớn người rút đều ở độ tuổi từ 20 đến 39. Việc nhận BHXH một lần sớm này là điều có thể dự tính bởi những người trẻ thường ít nghĩ về nhu cầu lương hưu ở tuổi già.
Theo ILO, vì lý do này nên hệ thống BHXH bắt buộc được thiết lập. Các nước không cho phép nhận trợ cấp một lần như Việt Nam là để tránh những dự tính ngắn hạn. Ngoài ra, chính sách khuyến khích lao động đóng góp càng sớm càng tốt mà không đợi đến tuổi già vì khi đó có thể quá muộn để đảm bảo lương hưu.
Theo nghiên cứu, khi lao động trẻ rút một lần tức thời gian đóng bị mất đi. Lúc quay trở lại hệ thống sẽ đối mặt với việc không tích lũy đủ thời gian, đảm bảo điều kiện nhận lương hưu, họ lại càng có động cơ rút một lần.
Bà Vũ Kim Xanh, 54 tuổi, nhà ở quận Bình Tân là trường hợp tương tự. Năm 2005, khi tham gia bảo hiểm được hơn 9 năm, bà nghỉ việc rút bảo hiểm một lần. Thời điểm đó, số năm tối thiểu hưởng lương hưu theo quy định là 15 năm nên ở tuổi 35, nữ công nhân nghĩ rằng đủ khả năng đóng tiếp quá trình mới.
Sau đó, bà được một công ty may nhận vào làm việc, đóng tiếp bảo hiểm. Năm 2017, sức khỏe yếu bà phải nghỉ việc khi mới đóng bảo hiểm 12 năm. Lúc này bà đã 48 tuổi, cùng lúc số năm tham gia tối thiểu hưởng lương hưu theo luật mới đã tăng lên 20 năm, tức bà còn thiếu 8 năm. Lúc này sức khỏe đã kém, bà bắt đầu nghĩ đến lương hưu nhưng không còn khả năng tham gia. Hơn một năm sau, bà rút bảo hiểm lần hai.
"Tính ra tôi có hơn 20 năm đóng bảo hiểm mà giờ chẳng còn gì. Tiền rút ra tiêu cũng đã hết. Tuổi già sắp tới chưa biết ra sao", bà Xanh nói.
Để tránh các tình huống phải tiếc nuối như bà Xanh, bên cạnh hạn chế rút BHXH một lần, ILO cho rằng chính sách cần tính đến giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cho lao động. Đơn cử, nhà nước cần có chế độ trợ cấp cho gia đình, trẻ em. Việc này không gây tốn kém mà ngược lại là khoản đầu tư rất phù hợp.
Nghiên cứu của ILO cho thấy nếu trợ cấp cho trẻ em mỗi tháng 350.000 đồng, số tiền chi ra chỉ chiếm từ 0,7% khoản thu nhập đóng bảo hiểm, tùy thuộc độ tuổi đủ điều kiện. Ngoài ra những nghiên cứu khác chỉ ra chế độ cho trẻ em là chính sách cùng lúc giải quyết chế độ cho ba thế hệ gồm trẻ em có trợ cấp, bố mẹ thêm động lực ở lại hệ thống nên được hưởng các chế độ ngắn hạn và về già có lương hưu.
Trong khi đó công nhân Lê Văn Chinh nói rằng ở lần tham gia bảo hiểm thứ ba này sẽ ở lại hệ thống để chờ lương hưu dù xung quanh nhiều người rục rịch nghỉ. "Nhiều người sợ chết là mất hết nhưng tôi thấy không phải", anh nói.
Ở lần thứ hai rút bảo hiểm, khi chờ làm thủ tục anh Chinh thấy ở quầy tiếp nhận có hai rổ. Một rổ dành cho những người như anh, một rổ ghi chế độ tử tuất. Anh hỏi cán bộ tiếp nhận được giải thích đó là chế độ cho thân nhân của người đóng bảo hiểm. Tức khi lao động mất đi, ngoài mai táng phí, người nhà sẽ nhận trợ cấp một lần, con chưa đủ 18 tuổi, cha mẹ lớn tuổi được trợ cấp. Vì vậy nam công nhân đề xuất cần tuyên truyền nhiều hơn để lao động như anh hiểu được chính sách.