Trong chỉ thị mới đây, Thủ tướng cho biết đến nay cả nước còn 315.000 hộ khó khăn về nhà ở, cần được hỗ trợ để đảm bảo "an cư, lạc nghiệp". Ông yêu cầu các cơ quan phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành ba nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm trên. Mục tiêu này sớm hơn 5 năm so với các chỉ đạo của Trung ương.
Mọi người dân, doanh nghiệp được kêu gọi tham gia với tinh thần "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về xóa nhà tạm, phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng và hướng dẫn địa phương thực hiện.
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng phương án hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Phương án này bao gồm việc xác định mức hỗ trợ tài chính cụ thể từ ngân sách trung ương và địa phương cho từng đối tượng, đồng thời đề xuất các mẫu nhà ở tiêu biểu phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.
Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đề xuất cho phép sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm 5% chi phí thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và được chuyển nguồn sang năm 2025.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục vận động ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mặt trận sẽ phân bổ kinh phí về địa phương và giám sát quá trình thực hiện chính sách này.