Tình yêu của vợ chồng U90 trong quán sửa xe ở Quảng Trị
Quán sửa xe đặc biệt
Một buổi chiều mùa hè, chúng tôi tìm đến quán sửa xe bên vỉa hè, khá đặc biệt. Mấy chục năm nay, quán sửa xe với tên gọi ngắn ngọn - 'Bông', ở Tôn Thất Thuyết, TP Đông Hà là điểm sửa xe của hàng trăm người.
Chủ quán sửa xe là ông Lê Bông (SN 1933) và bà Lê Thị Xá (SN 1937), đều đã trên 80 tuổi nhưng vẫn tự tay sửa xe cho khách. Ông bà có thâm niên sửa xe 59 năm, kể từ lúc hai người nên duyên vợ chồng.
Khi chúng tôi tò mò hỏi về nghề sửa xe, bà Xá cho hay, năm 12 tuổi ông Bông đã thích học nghề sửa xe. Ban đầu, ông học lén ở các quán, rất lâu sau, mới mạnh dạn đi học nghề. Có nghề rồi, ông quyết định ra Quảng Trị mở quán sửa xe thì hai người gặp nhau, tình cảm cũng chớm nở.
Năm 1975, từ quê ông ở Quảng Trị, hai người quyết định ra Đông Hà, phục vụ nhu cầu sửa xe cho người dân ở đây và trung thành gắn bó với địa điểm này cho đến bây giờ.
Mấy chục năm qua, người dân ở Quảng Trị đã quen với hình ảnh 2 ông bà sát cánh bên nhau, ngày nắng cũng như ngày mưa sửa xe tại quán.
Lúc đầu quán của ông bà chỉ sửa xe đạp, sau sửa thêm xe máy. Bà Xá tủm tỉm cười bảo, trước đây chưa từng nghĩ bà có thể sửa xe cùng ông, như hai người thợ thực thụ. Lúc đó, bà chỉ muốn ở cạnh ông nên ban ngày ông sửa xe thì bà bán nước giải khát.
Về sau, chính tình yêu nghề nơi ông đã khiến bà quyết định cùng ông gắn bó với nghề này.
Bà tâm sự, lúc ấy cuộc sống chật vật, để kiếm được cái nghề kiếm sống rất khó khăn nên bà không ngần ngại. Gia đình, mọi người xung quanh có khuyên ngăn bà nên chọn công việc khác, nhẹ nhàng hơn nhưng bà nghĩ có công việc làm là được rồi.
Lúc mới mở quán, có nhiều người đến nhận làm học trò của ông bà để học nghề sửa xe. Đến năm 1975, ông Bông đi làm ở hợp tác, không nhận học trò nữa, lúc ấy quán xá một tay do bà Xá tiếp quản.
Một mình bà, thân gái yếu đuối nhưng bà vẫn làm tốt các công việc ở quán thay ông và được mọi người hết lời khen ngợi.
Tình yêu dung dị hơn nửa thế kỉ
Ông Bông bị lãng tai đã lâu, bà Xá bảo, hai người yêu nhau nhưng ít nói lắm, bà nói nhưng ông không nghe nên dần dà cũng quen. Các công việc ở quán từ giao tiếp đến trao đổi giá cả với khách chủ yếu do bà Xá thực hiện, sau đó bà ra hiệu cho ông hiểu.
Cụ bà còn tâm sự, khi bà giận ông việc gì, bà sẽ nói ra cho thoải mái tâm trạng chứ không nỡ giận ông lâu.
Thu nhập từ quán sửa xe của ông bà không ổn định, ngày cao nhất được 200 nghìn đồng. Những ngày ít khách hơn, công việc chỉ đủ để trang trải thuốc thang, chi phí sinh hoạt hai vợ chồng.
Nhưng bà bảo, chỉ cần kiếm được tiền là ông bà cảm thấy vui, 'thi thoảng có việc cần cũng có chút ít để cho con, cho cháu. Ý nghĩa nhất là có tiền để động viên cháu chắt lúc học hành, thi cử'.
'Những hôm ông đau, phải đóng quán, bà và ông buồn lắm, chỉ mong ông nhanh lành bệnh, mở quán, sửa xe lại. Mình có cái để làm, vừa có ích vừa cảm thấy vui, ở không tay chân cứ bồn chồn lắm', bà nói.
Sống dung dị bên cạnh nhau, hai ông bà có thói quen cùng nhau thức dậy sớm để tập thể dục. Sau đó, ông quét nhà, bà giặt áo quần. Mỗi người một tay lo việc nhà rồi ông bà ra mở quán sửa xe, cùng ăn sáng để bắt đầu ngày làm việc mới.
Bà cho biết, ông bà có với nhau 8 mặt con, có 45 cháu nội, ngoại, chắt. Con cháu vì thương ông bà vất vả, nhiều lần can ngăn ông bà ở nhà, giữ gìn sức khỏe nhưng đã quen với công việc, thấy vận động tay chân cũng giúp khỏe người nên ông bà vẫn mải mê với công việc.
'Ở tuổi ông với bà, trời cho mình khỏe mạnh, làm lụng được đã là diễm phúc rồi, bà chỉ mong có vậy, con cháu cũng bớt đi phần lo toan, đỡ vất vả', bà Xá cởi mở khoe.
Cụ bà bộc bạch rằng, khách đến quán toàn là khách quen. Người ta thường đến phần vì cần sửa xe, phần vì cảm phục ý chí của ông bà, dù tuổi đã cao nhưng luôn cố gắng, không muốn làm gánh nặng cho ai.
Đến mùa đi học, ông bà sửa xe không ngơi tay. Hết người bán xe cũ nhờ ông bà gia công, sơn sửa lại để bán, lại đến kẻ hỏi mua xe, người sửa xe, đó là lúc ông bà cảm thấy mệt mà vui nhất.
Quán của ông bà luân phiên người ra kẻ vào. Lúc khách dắt xe đến quán, bà cụ sẽ lắng nghe chủ nhân chiếc xe trình bày vấn đề. Sau đó, bà Xá nhìn một lượt rồi phán 'bệnh' cho xe và ra dấu cho ông cụ hiểu. Cụ ông lụ khụ đi ra kiểm tra xem xe bị lỗi gì.
Trong quá trình sửa, ông liên tục gọi bà phụ giúp ông. Lúc thì ông nhờ bà lấy cái cờ lê, cái ốc vít, khi thì cái búa, cái lốp.
Cứ như thế, từ khi còn xuân xanh cho đến khi tóc đã bạc, hai người đều ở cạnh nhau. Tình yêu dung dị hơn nửa thế kỉ của ông bà đã vượt qua tất cả. Hình ảnh đẹp ấy đã hình thành nét đặc trưng riêng, đã 44 năm qua in hằn trong tâm trí của nhiều người dân ở Quảng Trị.