Đây là một trong 8 đề xuất với Chính phủ, được nêu trong báo cáo tại hội nghị triển khai công tác Y tế năm 2025 của Bộ Y tế, ngày 24/12.
Cụ thể, Bộ Y tế mong Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu để sinh viên Y, Dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, được cấp sinh hoạt phí trong thời gian học tập. Việc này nhằm thu hút nhân lực, khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.
Theo báo cáo, cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu (đào tạo tiến sĩ). Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Số bác sĩ tốt nghiệp năm ngoái trong toàn quốc là gần 11.300, dược sĩ gần 8.500; điều dưỡng khoảng 18.200.
Quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng 2,33% trong 10 năm qua. Con số này không đáng kể, theo đánh giá của Bộ. Tổng số nhân lực ngành y tế hiện khoảng 431.700 người, thấp hơn nhiều so với mức 632.500 người trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế, giai đoạn 2011-2020.
"Tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện công lập, cơ cấu nhân lực chuyên môn lâm sàng chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân và có nguy cơ không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn bệnh nhân", báo cáo nêu.
Tại Quốc hội hồi cuối tháng 5, đại biểu Trần Khánh Thu, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình, cũng từng đề xuất Nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên y khoa với điều kiện chịu sự phân công công tác sau khi ra trường.
Hiện, học phí ngành Y, Dược khoảng 27-200 triệu đồng một năm, tùy trường. Riêng các trường công tự chủ, mức cao nhất là hơn 88 triệu đồng, thuộc về ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt của Đại học Y Dược TP HCṂ (trừ chương trình liên kết quốc tế).