Sốt, mệt nhưng không cúm hay Covid-19

Nhiều người thời gian qua bất ngờ sốt cao kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, khó thở nhưng không liên quan những dịch bệnh hiện nay như Covid-19, sốt xuất huyết hay cúm.

Được chẩn đoán sốt virus sau 2 ngày sốt gần 39 độ C, Nguyễn Quốc Vương (25 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) trở về nhà cùng chỉ định theo dõi, điều trị ngoại trú.

Trong khoảng một tuần sau đó, dù tình trạng sốt cải thiện, các triệu chứng khác vẫn khiến Vương không thể tập trung làm việc hay tham gia các hoạt động vốn là thói quen.

Ốm cả tuần không khỏi

“Mới hôm trước tôi còn thấy rất ổn, thậm chí đá bóng cùng các đồng nghiệp, một ngày sau, bỗng nhiên tôi thấy cơ thể mệt mỏi, thân nhiệt tăng, cảm giác không muốn làm gì cả”, Vương chia sẻ.

Do làm việc trong lĩnh vực sức khỏe, Quốc Vương cũng nhanh chóng tìm cách hạ thân nhiệt, đồng thời bổ sung nước, điện giải thông qua oresol.

Dẫu vậy, cảm giác uể oải, khó chịu vẫn không buông tha cho nam thanh niên này. Thay vào đó, đến khoảng thời gian chiều muộn, tình trạng sốt còn trở nên rõ ràng hơn, thân nhiệt của Vương tăng cao.

Nhiều người được chẩn đoán sốt virus và có các triệu chứng mệt mỏi kéo dài trong thời gian qua. Ảnh minh họa: rex_pickar.

“Tôi kẹp nhiệt độ lúc đó là 38,9 độ C. Tôi có uống thuốc hạ sốt ngay sau bữa tối, tình trạng có cải thiện nhưng vẫn rất mệt mỏi. Quần và lưng áo của tôi khi ngồi trên ghế da thậm chí ướt đẫm”, nam thanh niên kể lại.

Theo Quốc Vương, ban đầu, anh cho rằng tình trạng này do Hà Nội đang trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi khiến cơ thể không kịp thích nghi. Tuy nhiên, khi tình trạng này kéo dài 2 ngày không cải thiện, Vương đã tìm tới bệnh viện trong chế độ bảo hiểm của công ty để thăm khám.

Tại đây, các xét nghiệm sàng lọc Covid-19, sốt xuất huyết, cúm A của Vương đều cho kết quả âm tính. Sau khi thăm khám các triệu chứng và thực hiện thêm một số xét nghiệm khác, Vương được chẩn đoán mắc sốt virus.

Sau khi dùng thuốc được bác sĩ kê khoảng một ngày, tình trạng sốt của Vương giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nam thanh niên bắt đầu có thêm các triệu chứng như ngạt mũi, chảy nước mũi, giảm vị giác. Tình trạng này kéo dài gần một tuần sau đó.

“Sau khi hạ sốt, tôi cũng cố gắng quay trở lại công việc với tần suất vừa phải để tránh gián đoạn quá lâu. Tuy nhiên, tôi cũng không thể tập trung khi ngồi trước máy tính”, Vương cho hay.

Gặp tình trạng tương tự, Lương Quỳnh Thương (24 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết cũng có triệu chứng sốt, khó thở, mệt mỏi suốt hơn một tuần.

“Trước đây, khi thay đổi thời tiết, tôi cũng hay cảm vặt. Tuy nhiên, thường chỉ đau họng, chảy mũi khoảng 1-2 ngày là hết. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi ốm lâu đến thế”, Thương nói.

Do lo ngại tái nhiễm nCoV, cô gái này cũng tự test nhanh Covid-19 tại nhà nhưng kết quả âm tính. Đến ngày thứ 4 vẫn còn sốt, Thương quyết định đi khám tại bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán sốt do virus.

Theo Quỳnh Thương, tình trạng sốt cao chủ yếu xuất hiện vào chiều tối và đêm. Đến khi hạ sốt, các triệu chứng đau họng, khó thở vẫn kéo dài thêm vài ngày sau đó. Sau một tuần điều trị nhưng chưa thể dứt điểm hoàn toàn các triệu chứng này, Thương chia sẻ bản thân stress và mệt mỏi phần lớn vì hết kiên nhẫn với bệnh.

“Tôi đã phải tạm hoãn rất nhiều dự định và lịch hẹn vì tình trạng này. Hồi bị Covid-19, tôi cũng không bứt rứt đến thế”, Thương tâm sự.

Rất nhiều loại virus có thể gây bệnh cho người

Trao đổi với Zing, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay trên thực tế, hàng tỷ loại virus khác nhau có thể gây bệnh cho người với cấu trúc tương tự nhau. Do đó, các nhà khoa học hiếm khi nghiên cứu và tìm chính xác ở một trường hợp bệnh nhân nhất định nhiễm loại virus nào.

“Trừ một số loại virus cần có phương pháp điều trị đặc biệt hoặc cần kiểm soát như viêm não Nhật Bản hay sốt xuất huyết… bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chung là sốt do virus”, vị chuyên gia nói.

Về mặt điều trị, BS Cấp cho biết các bệnh nhân sốt virus sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị sốt virus chung như hạ sốt, bổ sung nước, điện giải, dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và không có điểm nào khác biệt. Tuy nhiên, triệu chứng sốt có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ riêng do virus.

Hàng tỷ loại virus có thể gây bệnh cho người với các triệu chứng không điển hình. Ảnh minh họa: kelly_sikkema.

Bởi vậy, người dân khi có triệu chứng sốt cần tới các cơ sở y tế để khám nhằm phát hiện chính xác vấn đề, từ đó được tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Vị chuyên gia cũng lưu ý: “Trong đa số trường hợp, sốt do virus thường sẽ không kéo dài. Do đó, tình trạng sốt kéo dài có thể đến từ nguyên nhân khác cần được chẩn đoán chính xác”.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, nhất là trong thời tiết nóng ẩm hay nóng lạnh.

Nguyên nhân là thời tiết nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh phát triển mạnh. Đặc biệt với trẻ em, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh hơn người lớn.

Thông thường, các triệu chứng của sốt virus bao gồm

Sốt cao: Thân nhiệt nóng, sốt cao với cảm giác khi nóng, khi lạnh, sốt cùng hiện tượng co giật, nhiệt độ có thể cao trên 38,5 độ C hoặc cao hơn từ 40 đến 41 độ C.
Đau đầu: Cảm giác mệt mỏi, thường có dấu hiệu đau đầu, nhức đầu dữ dội, các hiện tượng choáng váng đầu óc, ngoài ra còn kèm theo các cảm giác đau nhức toàn thân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề.
Các biểu hiện liên quan tới đường hô hấp: Viêm họng, họng đỏ, có thể sưng tấy, ho, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.
Nôn: Có thể xảy ra sau những bữa ăn, ngoài ra còn có thể biểu hiện của nôn khan.
Khát nước: Cảm giác thèm nước dù uống nước liên tục, miệng đắng, kèm theo cảm giác chán ăn.
Viêm hạch: Do bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, có thể xuất hiện các hạch vùng đầu, cổ, có thể nhìn hoặc sờ thấy được.
Phát ban: Xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi sốt, trên da nổi những nốt ban nhỏ li ti.
Rối loạn đường tiêu hóa: Có thể đi ngoài phân lỏng, nhầy.

Theo PGS Dũng, thông thường, bệnh nhân sốt virus có thể khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.
Viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới một tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ.
Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể khiến trẻ bị khó thở, thở rít.
Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt, trẻ vẫn mệt, lịm đi, không chơi nghịch, không ăn được, bố mẹ cần cẩn thận. Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Nếu không xảy ra những biến chứng nguy hiểm trên, phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi sau vài ngày. Người bệnh chỉ cần được hạ sốt khi sốt cao, uống thuốc ho, uống nhiều nước và nhất là nghỉ ngơi. Tuyệt đối không ra ngoài đi chơi, đi học... sau khi uống thuốc để tránh những biến chứng xảy ra”.

Cũng theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân bị sốt virus không nhất thiết phải tới bệnh viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý giữ nhà cửa và phòng thoáng mát (tuyệt đối không đóng kín cửa), không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn. Khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, người bệnh cần uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: zingnews.vn