Người phụ nữ 35 tuổi ở quận Hai Bà Trưng kể từ hè năm ngoái khi đang gặp căng thẳng với công việc kinh doanh, chị quyết định thử học lặn tự do và tìm thấy đam mê ở bộ môn này.
Một lần Trang tình cờ xem được một video lặn tiên cá ở Hàn Quốc với những chiếc đuôi sặc sỡ, lả lướt nên muốn thử trải nghiệm. Chị tìm thấy một khóa học lặn tiên cá giá 4,5 triệu cho bốn buổi, mỗi buổi 90 phút.
Lặn tiên cá là một nhánh nhỏ của môn lặn tự do (free diving), trong đó người lặn không mang bình dưỡng khí, phải nín thở khi xuống nước nhưng thay vì mang chân vịt (monofin) như thông thường, người chơi sẽ mặc trang phục đuôi cá.
Những buổi đầu tập làm tiên cá của Trang không đơn giản. Chị cảm nhận chân mình như bị buộc lại với nhau, sặc nước, cơ thể cứng nhắc không thể uốn lượn. Ban đầu huấn luyện viên cho làm quen ở bể sâu 1,5 m để học cách cân bằng áp suất tai, nín thở tĩnh khi thành thạo sẽ chuyển sang bể sâu 3 m và cuối cùng là 5,5 m.
Trang dần vượt qua nỗi sợ bể sâu, mỗi lần lặn được 30 giây đến một phút. Chị cảm nhận người nhẹ tênh và tĩnh lặng lúc chìm dưới làn nước.
Khi đã lặn giỏi và quen với đuôi cá, những người chơi như Trang bắt đầu đam mê những loại đuôi cá khác nhau để quay video cho đẹp. Chị đặt các đuôi cá ở nước ngoài, chất liệu thường là sequin (kim sa) lấp lánh, nặng khoảng 3-5 kg , dài gần hai mét.
Sau một năm, Trang có hàng chục video, hóa thân trong nhiều nhân vật tiên cá với đuôi họa tiết cá KOI, san hô...
Lặn tiên cá là bộ môn đã ra đời từ hàng chục năm trước, hiện phổ biến ở Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu, chủ yếu được trình diễn bởi các nghệ sĩ trong thủy cung. Nghệ thuật lặn tiên cá dần tiếp cận với người chơi phổ thông bởi sự nở rộ các khóa học cho người không chuyên.
Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (PADI) nhận định lặn tiên cá đang trở thành xu hướng toàn cầu, theo CNN. Đến nay Hiệp hội lặn quốc tế (SSI) đã tổ chức lặn tiên cá ở 3.000 địa điểm trên thế giới.
Bộ môn này du nhập vào Việt Nam khoảng 5 năm trước nhưng trở nên phố biến khoảng một năm nay sau khi hàng chục hội, nhóm cùng các khóa lặn tiên cá đã nở rộ ở TP HCM và Hà Nội.
Anh Trần Việt Hưng, đại diện Làng tiên cá - nhóm lặn ở TP Hà Nội, cho biết số lượng thành viên tăng gấp bốn lần sau 8 tháng hoạt động bởi nhiều người có nhu cầu chữa lành (healing) sau Covid.
Lặn tiên cá khiến nhiều người "nghiện", bởi người chơi có cảm giác được giải thoát, thư giãn, tập trung tâm trí và hơi thở dưới nước. Ở Hàn Quốc, họ xây dựng các bể bơi sâu 23-35 m phục vụ riêng cho người lặn tiên cá.
Để đảm bảo an toàn, người chơi môn này phải hoàn thành khóa học bơi, học lặn cơ bản bởi đuôi cá thường rất nặng (1-30 kg), được làm từ bốn chất liệu là silicon, vải lụa, sequin hoặc cao su tổng hợp. Người chơi chủ yếu đặt mua đuôi cá từ nước ngoài.
"Người mới bắt đầu sẽ khó thích nghi bởi cảm giác như bị 'buộc túm' chân", Hưng giải thích. Sau khi quen dần, họ sẽ làm chủ kỹ thuật uốn sóng, cơ thể mềm mại, tạo dáng bơi hoặc hất tóc giống "nàng tiên cá".
Huy Minh, 28 tuổi, một nhân viên ngân hàng dù bận rộn với công việc nhưng vẫn dành hai buổi mỗi tuần đến bể sâu 5,5 m ở quận Nam Từ Liêm để học lặn. Khi mang đuôi, Minh sốc bởi nó nặng hơn anh tưởng tượng.
"Cơ thể mình phải như một con sóng, mềm dẻo từ đầu đến chân", Minh kể. Anh vượt qua cảm giác đau tai, biết cách giữ hơi và giải phóng hình thể mình sau ba tháng luyện tập.
Chiều cuối tháng 4, Minh đầu tư chiếc đuôi cá có vảy cam, xanh biểu diễn uốn lượn với bạn nữ cùng nhóm. Họ thuê người chụp ảnh, quay video bằng Go Pro hoặc máy ảnh đã được chống nước. "Tôi cảm thấy tự hào về bản thân mình", Minh nói. "Bao nhiêu áp lực, căng thẳng như tan biến dưới làn nước".
Huấn luyện viên Phùng Hằng - giám đốc CLB bơi S Club, Hà Nội nói bộ môn lặn tiên cá bắt buộc người tập phải biết bơi, tạo ra ý thức về thể thao và sinh tồn. Từ đầu năm 2024, lặn tiên cá trở thành xu hướng do được lan tỏa bởi các video trên TikTok thu hút giới trẻ.
Một điểm khó cho người chơi lặn tiên cá ở ở Hà Nội là những hồ, bể bơi có độ sâu 5-6 m còn ít. Hiện chỉ có bể bơi ở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) và một bể ở quận Long Biên đáp ứng được tiêu chí này.
Bà Hằng khuyến nghị người tham gia phải biết bơi lặn, chuẩn bị trang phục gọn gàng, dễ thao tác. Họ nên bắt đầu với hồ ở độ sâu hai mét rồi nâng dần. Bộ môn có thể trị liệu các bệnh về cột sống bằng động tác uốn thân và giúp phổi hô hấp tốt hơn.
Mỹ Hằng, 31 tuổi, là chuyên viên trang điểm ở TP Hà Nội nói bản thân như học "thiền dưới nước" sau nửa năm theo đuổi lặn tiên cá. Ban đầu, Hằng học bởi muốn truyền cảm hứng bơi cho con trai, sau cô thấy sức khỏe tinh thần mình được cải thiện, giảm lo âu, căng thẳng.
Tuy nhiên, cô cho rằng bộ môn không dành cho người thiếu kiên nhẫn, bởi đòi hỏi công sức và tiền bạc. Mỗi đuôi cá có giá vài trăm đến chục triệu đồng, tùy theo mức độ kỳ công.
Hằng thuộc nhóm Làng tiên cá, cô thường đặt mua đuôi ở các website nước ngoài, sau chuyển sang tự thiết kế. Năm ngoái, cô từng mang đuôi để sang Philippines lặn cùng bạn.
"Tôi như sống trong thế giới đầy màu sắc sặc sỡ và quên hết mọi muộn phiền", Hằng kể.
Nguồn: vnexpress