Những triệu chứng dễ nhầm lẫn giữa bạch hầu và viêm họng thông thường

Trẻ nhỏ cần được tiêm đủ liều vacxin để phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Ngọc Nga

Gia tăng số ca mắc bạch hầu

Tám tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 200 ca bạch hầu, chủ yếu tập trung các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Trị.

Cụ thể, tại tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2020 đến nay, có 48 trường hợp dương tính bạch hầu tại 5 huyện/thành phố (cao hơn tổng số ca dương tính trong giai đoạn 2016-2019), trong đó có 37 ca bệnh và 11 ca là người lành mang trùng, không có ca tử vong. Toàn tỉnh có 32 ổ dịch bạch hầu, 31 ổ đã qua 14 ngày.

Đầu tháng 9, Gia Lai cũng phát hiện thêm 3 ca nhiễm bạch hầu mới ở huyện Chư Păh.

Riêng tại Đắk Lắk, toàn tỉnh đã có đến 44 ca mắc bạch hầu phân bố ở khắp 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố (1 ca ở TP.Buôn Ma Thuột). Các ổ dịch khó kiểm soát nhất tập trung chủ yếu ở các huyện M’Đrắk, Krông Bông. Đáng chú ý, sau khi lực lượng y tế TP.Buôn Ma Thuột ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên ở xã Cư Êbur, đã qua nhiều ngày chưa phát hiện người mắc mới.

Đắk Nông là địa phương đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên phát hiện các ca bệnh bạch hầu. Trong số 39 ca mắc bệnh, có 2 ca tử vong.

Trong khi đó tại Quảng Trị, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận hơn 20 trường hợp mắc bạch hầu, tập trung tại 3 địa phương là Hướng Hóa, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Đặc biệt, tính từ đầu năm đến nay, đã có 4 trường hợp tử vong do bạch hầu. Trường hợp thứ 4 ghi nhận chiều qua (14/9), là một bé trai 12 tuổi, trú tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Bệnh nhi được xác định mắc bạch hầu ngày thứ 7, diễn tiến biến chứng rối loạn nhịp tim, suy tim, men tim tăng cao. Mặc dù các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp, hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân không đáp ứng với điều trị, tử vong sau 11 giờ nhập viện.

Dấu hiệu phân biệt giữa bạch hầu và viêm họng thông thường

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

ThS.BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo ThS.BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, có thể gây chết người và triệu chứng ban đầu của nó tùy thuộc và thể bệnh hay vị trí vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trường hợp nhiễm bệnh dẫn đến tử vong có thể là do người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, bạch hầu có một thể được gọi là thể tối cấp khiến người bệnh tử vong chỉ trong 24 - 48 tiếng.

Nguy hiểm là vậy nhưng những triệu trứng ban đầu của bệnh bạch hầu thường khá giống với viêm họng hay viêm amidan thông thường, chính vì vậy, người mắc rất khó để phân biệt được bệnh.

“Bệnh bạch hầu rất dễ nhầm với những bệnh viêm họng khác nó có một số đặc điểm gợi ý nhận biết ở thể mũi như sốt nhẹ, chảy nước mũi, nhìn vào có thể thấy nước mũi lẫn máu,.. Còn thể họng, hầu họng sẽ nhìn thấy họng đỏ sưng, vùng họng có giả mạc màu vàng sáng trắng ngà, nó rất dai và dễ chảy mảu, có phản ứng hạch làm cổ to bạnh ra…. Khi vi khuẩn vào cơ thể sẽ có biểu hiện nhiễm trùng ví dụ như: sốt sưng đau họng, nhiễm độc như da xanh tái trẻ em thì mệt khóc bỏ ăn, người lớn thì mệt, lả, ho…”, bác sĩ Hưng cho biết.

Đặc biệt, theo bác sĩ Hưng để phân biệt giữa bạch hầu và viêm họng hay viêm amidan thông thường rất khó: “Người nhà quả thật rất khó phân biệt, đối với chúng tôi là bác sĩ dù đã cơ bản phân biệt được nhưng chúng tôi vẫn phải làm xét nghiệm soi và cấy vi khuẩn nữa để khẳng định chính xác 100%. Vì vậy, khi có biểu hiện thì cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán bệnh chính xác nhất”.

Để phòng bệnh bạch hầu hiệu quả bác sĩ Hưng khuyến cáo với trẻ em trong thời gian vừa qua khi được tiêm chủng mở rộng thì đã có miễn dịch thường sau 10 năm nên tiêm nhắc lại. Với người lớn thì không nên hoang mang vì đa số người lớn đã được tiêm phòng chỉ trừ trường hợp nào đó bỏ sót. Để giải quyết vấn đề hoang mang cho người lớn có thể tiêm vacxin 3 trong 1 bạch hầu – ho gà – uốn ván.


Nguồn: Báo Pháp Luật VN