Dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, triển vọng sớm có vắcxin phòng bệnh
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 17/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 55,32 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1,33 triệu ca tử vong. Hiện còn 15,53 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân cần điều trị tích cực chiếm 1%.
Trong 24 giờ qua, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 - tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, 153.892 ca nhiễm và 712 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lần lượt ở mức 11,52 triệu ca và 252.624 ca.
Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận gần 166.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên 13,57 triệu ca.
Trong khi đó, toàn khu vực châu Âu trong 24 giờ ghi nhận 202.668 ca nhiễm mới. Italy có số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất (27.354 ca), tiếp sau là Nga (22.778), Anh (21.363) và Ba Lan (20.816). Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay toàn châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 14,16 triệu ca nhiễm và 326.214 ca tử vong.
Châu Á hiện là khu vực có tổng số ca nhiễm cao nhất thế giới (15,16 triệu ca), trong đó Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với 8,87 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 28.377 ca nhiễm mới.
Tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 31.748 ca nhiễm mới và 857 ca tử vong. Riêng Brazil chiếm 27% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 5,87 triệu ca, gần 50% tổng số ca nhiễm của khu vực.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm tại khu vực này tiệm cận 2 triệu ca (1.998.085 ca). Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch tại châu lục này - ghi nhận thêm 1.245 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Phi này hiện là 752.269 ca.
Theo Ủy ban Khoa học theo dõi diễn biến COVID-19 của Algeria, quốc gia Bắc Phi đã ghi nhận thêm 910 trường hợp mắc mới COVID-19 và 14 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này đến thời điểm hiện tại là 68.589 người và 2.168 ca tử vong. Đây số ca lây nhiễm cao nhất trong 24 giờ tại Algeria kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 25/2.
Hiện Chính phủ Algeria đã tái tăng cường nhiều biện pháp nghiêm ngặt, có hiệu lực từ ngày 17/11, với hy vọng ngăn chặn sự gia tăng "đáng lo ngại" của đại dịch COVID-19. Trong số này bao gồm biện pháp gia tăng giờ giới nghiêm áp dụng đối với 32/48 tỉnh thành (thay vì 29/48 tỉnh thành như quyết định trước đó một tuần) từ 20 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thay vì 23 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau như trước đây.
Các hoạt động thương mại bắt buộc phải đóng cửa từ 15 giờ hàng ngày. Quyết định này kéo dài trong suốt thời gian 15 ngày. Bên cạnh đó, nhiều biện pháp nghiêm ngặt khác cũng được áp đặt gồm đóng cửa các khu thể thao-văn hóa-giải trí cũng như các bãi biển, cấm các hoạt động di chuyển liên tỉnh giữa 32 tỉnh thành, cấm các hoạt động giao thông công cộng và cả tư nhân vào các ngày cuối tuần, tăng cường xử phạt các cơ sở không chấp hành các quy định về phòng chống dịch…
Theo trang thống kê worldometers.info, hiện Algeria xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất, sau Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia, Tunisia, Libya, Nigeria và Kenya.
Ngày 16/11 đón nhận thông tin tích cực về vắcxin ngừa COVID-19. Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna của Mỹ thông báo vắcxin thử nghiệm của hãng này đã phát huy hiệu quả ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tới 94,5%, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ trong vòng một tuần thông báo kết quả thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 có hiệu quả cao hơn dự kiến.
Như vậy, cùng với vắcxin phòng COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, cũng cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn cũng như xem xét những quy định về pháp lý, Mỹ có thể có 2 loại vắcxin ngừa COVID-19 được cấp phép để đưa vào sử dụng khẩn cấp trong tháng 12 tới.
Theo các nhà khoa học, cả 2 loại vắcxin trên đều được bào chế bằng công nghệ mới, sử dụng các phân tử được gọi là "RNA thông tin" (mRNA) - điển hình của những công cụ mới mạnh mẽ chống lại đại dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 loại vắcxin ngừa COVID-19, trong đó 42 vắcxin đang được thử nghiệm lâm sàng.
Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắcxin trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021./.
Nguồn: Báo VietnamPlus