Trung Quốc phát triển chiến đấu cơ tàng hình cho tàu sân bay

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã công bố kế hoạch mang tính đột phá về công nghệ để đảm bảo phát triển thành công chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ tư mới và tiếp tục phát triển các dòng máy bay tiên tiến hơn, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin ngày 29-3.

Công ty Công nghiệp máy bay Thẩm Dương thuộc Tổng Công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đã thông báo trên mạng xã hội WeChat về kế hoạch hoạt động cho năm 2021.

Công ty đặt mục tiêu tạo đột phá trong chương trình chiến đấu cơ thế hệ thứ tư bằng cách thúc đẩy các công nghệ liên quan, bao gồm sản xuất phụ gia, kiểm soát các khiếm khuyết điện từ bề mặt và công nghệ sợi quang AFP để phát triển thành công máy bay tàng hình.

Ngày 29-3, Tổng Biên tập Vương Á Nam (Wang Yanan) của tạp chí Aerospace Knowledge (Bắc Kinh, Trung Quốc) chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu rằng có cơ sở để suy đoán Công ty Công nghiệp máy bay Thẩm Dương đang ám chỉ kế hoạch cải tiến dòng máy bay FC-31 (Cốt Ưng).

Một mô hình trưng bày của chiến đấu cơ Trung Quốc FC-31. Ảnh: THỜI BÁO HOÀN CẦU

Cho tới hiện tại, FC-31 (đôi khi còn được gọi là J-31) là dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ tư duy nhất mà công ty này từng phát triển nhưng chỉ mới sản xuất hai sản phẩm nguyên mẫu.

Ông Vương dự đoán rằng hải quân Trung Quốc đang cần một loại máy bay chiến đấu tiên tiến hơn để triển khai trong tương lai trên các tàu sân bay và các phiên bản cải tiến trên cơ sở FC-31 có thể sẽ là lựa chọn tốt.

Hãng tin Sputnik cũng có nhận định tương tự, cho rằng so với dòng J-20 (Uy Long) thì FC-31 phù hợp hơn để triển khai trên các tàu sân bay.

Sputnik nhắc lại rằng tháng 7-2020, bộ phận nghiên cứu và thiết kế của AVIC công bố dự định phối hợp với Công ty Công nghiệp máy bay Thẩm Dương thử nghiệm một "loại máy bay mới" để sử dụng cho hải quân. Sau đó hai tháng, một chiếc FC-31 với màu sơn mới và được điều chỉnh một số chi tiết đã được phát hiện trong một cuộc diễn tập.

Trong kế hoạch năm 2021, công ty ở Thẩm Dương cũng tiết lộ chương trình phát triển máy bay "thế hệ tiếp theo", bao gồm việc nghiên cứu công nghệ thích ứng nhiệt, tích hợp cấu trúc và chức năng. Công ty cũng đang nghiên cứu và thử nghiệm để dần xây dựng hệ thống công nghệ cho chiến đấu cơ "thế hệ tiếp theo".

Thời báo Hoàn Cầu lưu ý rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư là các dòng máy bay tàng hình có năng lực tương tự nhau như J-20 (Trung Quốc), F-22 (Mỹ) và Su-57 (Nga). Tuy nhiên, phương Tây xếp Su-57 vào dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm.

Một mô hình thiết kế chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu của Boeing (Mỹ). Ảnh: BOEING

Vì sự khác biệt trong phân loại giữa Trung Quốc và phương Tây nên máy bay "thế hệ tiếp theo" như Công ty Công nghiệp máy bay Thẩm Dương nhắc tới rất có thể ám chỉ các loại chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu, theo Sputnik.

Sputnik lưu ý rằng chưa có nước nào phát triển máy bay thế hệ thứ sáu - loại máy bay phải được tích hợp điều khiển bằng máy tính ở mức độ cao như chế độ lái tùy chọn, khả năng mang vũ khí laser và năng lực tàng hình cao hơn các dòng máy bay hiện tại.

Các dòng chiến đấu cơ tàng hình mới đang trở thành đối tượng theo đuổi của các cường quốc trong cuộc chạy đua vũ trang trong thời gian tới.

Trang tin Defense News cho hay trong cuộc họp báo hôm 26-2, Tướng Mark Kelly - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ - đã ngầm thể hiện lo ngại rằng Mỹ sẽ chậm chân hơn Trung Quốc về phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.

Đầu năm 2020, Trung Quốc đã công bố kế hoạch ra mắt máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035. Defense News không phân tích rõ Mỹ dự định khi nào sẽ hoàn thành mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu đầu tiên.

Nguồn PLO