TP Hạ Long dành tối thiểu 5% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hạ Long.

- Xin ông cho biết rõ hơn về lý do thành phố quyết định ưu tiên dành một phần nguồn lực chi đầu tư phát triển từ ngân sách cho công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005?

+ Hạ Long là thành phố có số lượng các khu dân cư, khu đô thị nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do được đầu tư từ rất sớm, nên đến thời điểm này, nhiều khu dân cư, khu đô thị đã bị xuống cấp, nhất là những khu dân cư, khu đô thị được hình thành từ năm 2005 trở về trước. Những khu dân cư, đô thị này được đầu tư theo tiêu chuẩn quy phạm cũ, hạ tầng điện, nước, viễn thông đi nổi, không đồng bộ và phần lớn đến nay không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nhiều nơi thường xuyên bị quá tải về điện.

Qua rà soát thực tế hiện trạng tại 13 phường trung tâm của thành phố cho thấy, ở các khu dân cư, đô thị hình thành trước năm 2005 mới có 10-20% mặt đường được thảm bê tông nhựa, phần còn lại là mặt đường bê tông xi măng; một số tuyến đường nhỏ, hẹp; vỉa hè lát nhiều loại gạch khác nhau và có hiện tượng lún sụt, đọng nước, mọc cỏ; chiều sâu các cống thoát nước không lớn, chưa có hệ thống nước thải riêng, dẫn đến hiện tượng ngập úng cục bộ vào mùa mưa; các cột đèn chiếu sáng chủ yếu là bóng sodium, chưa có hệ thống đèn led; phần cây xanh được trồng với nhiều chủng loại cây khác nhau… Một số khu đô thị đã xuống cấp nghiêm trọng gây mất mỹ quan đô thị.

Xuất phát từ thực tiễn này, để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đô thị, tạo động lực thúc đẩy TP Hạ Long trở thành đô thị thông minh, trung tâm thu hút đầu tư của tỉnh, nâng cao chất lượng sống cho người dân, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn thành phố.

- TP Hạ Long sẽ hiện thực hóa Nghị quyết số 21-NQ/TU như thế nào, thưa ông?

+ Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, đầu năm 2021, UBND thành phố đã tổ chức họp bàn với các phòng, ban và 13 phường để ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết.

Mục tiêu đặt ra của Kế hoạch đối với những khu đô thị do Nhà nước, nhà đầu tư hình thành trước năm 2005 là: Mặt đường sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo; vỉa hè được lát đá xẻ tự nhiên hoặc đá granite; cây xanh, điện chiếu sáng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; chỉnh trang đường điện, nước, viễn thông và hạ ngầm những nơi có đủ điều kiện; đầu tư hệ thống thoát nước thải và thoát nước mặt riêng để khắc phục hoàn toàn tình trạng ngập úng trong khu đô thị.

Đối với những khu dân cư hiện hữu phù hợp với quy hoạch nhưng hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu cuộc sống hiện nay, cũng như chưa đạt tiêu chuẩn đô thị loại I, thành phố sẽ thực hiện bê tông hóa hoặc thảm bê tông nhựa mặt đường; 100% khu phố có điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước mặt, kè chắn được đầu tư, đảm bảo không còn ngập úng, sạt lở cục bộ; đầu tư hệ thống cây xanh, vỉa hè mới.

Giai đoạn 2021-2022, thành phố sẽ thực hiện đầu tư trên địa bàn các phường: Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Bãi Cháy, Yết Kiêu, Hồng Hà, Hồng Hải, Cao Xanh; giai đoạn 2022-2023, tiếp tục thực hiện đầu tư tại các phường: Cao Thắng, Hồng Gai, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Hà Tu. Phấn đấu đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo các tuyến chính và đến năm 2025 sẽ hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến ngõ.

Tuyến đường vành đai khu đô thị mới Cao Thắng - Bãi Muối (phường Cao Thắng) được mở rộng, kiên cố do người dân trong khu tích cực hiến đất.

- Với khối lượng công việc tương đối lớn, thành phố sẽ bố trí nguồn lực và cách thức triển khai như thế nào, thưa ông?

+ HĐND thành phố đã quyết nghị, hằng năm sẽ dành tối thiểu 5% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách thành phố cho thực hiện việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị này. Trước mắt, năm 2021 thành phố sẽ đầu tư gần 200 tỷ đồng. Để không làm lãng phí hiệu quả đầu tư và việc đầu tư đạt theo đúng lộ trình đặt ra, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư tại những khu dân cư, khu đô thị có tỷ lệ lấp đầy lớn, có chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng và đặc biệt là có sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Có nghĩa là ngoài sự quan tâm đầu tư của thành phố trong bố trí nguồn lực, chúng tôi cũng sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Cụ thể: Xã hội hóa 100% công tác GPMB và cây xanh trồng theo quy hoạch (Ban chỉ đạo khu phố có trách nhiệm vận động nhân dân và điều phối công tác GPMB); các hạng mục đầu tư thuộc ngành điện, nước, viễn thông và các ngành khác có liên quan thì các doanh nghiệp này sẽ bố trí 100% kinh phí để thể hiện vai trò, trách nhiệm với xã hội và nhân dân.

Đối với việc đầu tư các hạng mục khác như: Giao thông, vỉa hè, điện chiếu sáng, thoát nước, kè, hạ tầng khác, chúng tôi sẽ lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm trên nguyên tắc: Nhân dân tại các khu dân cư, đô thị họp thống nhất đóng góp bằng tiền, ngày công lao động trước khi khởi công công trình, mức đóng góp phù hợp với tính chất, quy mô công trình và điều kiện thực tế của mỗi hộ gia đình.

Việc huy động người dân cùng thống nhất cách thức triển khai, tham gia đầu tư sẽ đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng của công trình và gắn trách nhiệm của người dân với các khu dân cư, khu đô thị để sau này người dân sẽ có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Quảng Ninh