Thống nhất phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

9ANTD.VN - Thủ tướng thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được tổ chức hôm 18/1.

Theo đó, Thủ tướng thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trong việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất của Thủ đô và các địa phương trong khu vực; nâng cao kết nối vùng, gắn kết để phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc hướng tâm hiện hữu; giảm thiểu thiệt hại, chi phí xã hội do ùn tắc, tai nạn giao thông; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương…

Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô

Thủ tướng hoan nghênh TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã rất tích cực, cố gắng trong việc tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị dự án trong thời gian qua.

“Với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các Bộ và cơ quan liên quan rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, thời gian tới cần tập trung cao độ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3/2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3/2022”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư hỗn hợp được chia tách thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương).

Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Đặc biệt, một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2021 và Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai các công việc bảo đảm đúng trình tự, thủ tục; phối hợp Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các cơ quan rà soát lại suất đầu tư, thuyết trình rõ sự chênh lệch giá thành, suất đầu tư… so với các tuyến cao tốc khác; rà soát phạm vi giải phóng mặt bằng (đất lúa, đất nông nghiệp, đất dân cư…) bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí.

Thủ tướng cũng giao UBND TP Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và các Bộ, ngành liên quan.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/thong-nhat-phuong-an-dau-tu-xay-dung-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-post494090.antd