Với lực học khá, nữ sinh lớp 12, quê thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, được bố mẹ định hướng một số ngành "hợp với con gái" như Kinh tế, Kế toán. Dù vậy, Hoa đã xác định không vào đại học.
"Em không thích học mà muốn học nghề và đi làm sớm", Hoa nói.
Từ lớp 10, Hoa bắt đầu nghĩ đến việc không vào đại học khi thấy anh trai tốt nghiệp cử nhân ngành Môi trường, rồi về làm công nhân trong nhà máy sản xuất giày, dép. Dự định này của Hoa càng được củng cố khi em thấy thích nghề làm đẹp.
Hoàng Long, học sinh lớp 12 một trường ngoài công lập tại Hà Nội, thì thích công nghệ thông tin từ lâu nhưng nhận thấy với lực học trung bình, em khó trúng tuyển đại học tốt. Vì thế, Long tìm hiểu và đã chọn một trường cao đẳng có tiếng trong mảng lập trình, công nghệ để theo học sau khi tốt nghiệp.
Những thí sinh sớm rời khỏi cuộc đua xét tuyển đại học để học nghề như Hoa và Long không ít, được các chuyên gia nhận định là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022, hơn 386.000 em bỏ xét tuyển đại học, chiếm khoảng 35%. Con số này tăng khi trong hai năm 2021 và 2020, số học sinh bỏ xét tuyển đại học lần lượt là 227.000 và 237.000, tương đương hơn 20% số thí sinh thi tốt nghiệp.
Một số địa phương có số học sinh bỏ xét tuyển đại học năm ngoái nhiều gồm Hà Nội với 22.100 em, Thanh Hóa 15.700, Nghệ An 14.100.
TS Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho rằng có hai lý do chính khiến hàng trăm ngàn thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Thứ nhất, các em có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Thứ hai, học phí đại học năm 2023-2024 sẽ tăng theo quy định mới của Chính phủ, nên học sinh và các gia đình sẽ cân nhắc về khả năng tài chính.
Nếu không xét tuyển đại học trong nước, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể học nghề (cao đẳng, trung cấp, các khóa đào tạo ngắn hạn), đi làm luôn hoặc du học. Trong đó, ông Khánh nhận định đa số chọn học nghề như Hoa và Long.
Tháng 12/2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết năm qua, các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua.
Theo ông Khánh, việc học sinh xác định được mình cần gì là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hoạt động phân luồng sau THPT đã có tác dụng. Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT học nghề.
Nhiều năm liền có tỷ lệ học sinh bỏ xét tuyển đại học ở một số địa bàn chiếm khoảng 40% tổng số dự thi tốt nghiệp THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An nhận định "phụ huynh, học sinh đã thay đổi nhận thức trong định hướng nghề nghiệp, không còn nghĩ vào đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp".
Theo báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp có bằng đại học trở lên chiếm 20,7% - cao nhất trong tổng số lao động không có việc làm. Tỷ lệ này với người tốt nghiệp cao đẳng là 10,1% và trung cấp 7,6%.
"Có thể người có trình độ từ đại học trở lên cố gắng tìm một công việc phù hợp với trình độ đào tạo", Tổng cục Thống kê phỏng đoán.
Về thu nhập, người có bằng đại học trở lên (gồm cả thạc sĩ, tiến sĩ...) kiếm bình quân 8,75 triệu đồng một tháng (năm 2020), sơ cấp 7,55, cao đẳng 7,02 và trung cấp 6,86 triệu đồng. Dù nhóm tốt nghiệp đại học thu nhập cao hơn, nhưng theo chuyên gia, chênh lệch này không đáng kể so với chi phí đào tạo đắt đỏ, thời gian dài đào tạo của hệ đại học, sau đại học so với các hệ còn lại.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng việc học sinh chủ động học nghề đã tạo đà cho các trường, giúp hoạt động tuyển sinh sôi động hơn. Để thu hút thí sinh, các trường nghề cũng phải cạnh tranh, từ đó giúp chất lượng đào tạo được cải thiện. Ngược lại, khi đủ người học, các trường sẽ có nguồn lực để tập trung đào tạo nhân lực có tay nghề, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Thị trường lao động từ đó sẽ phần nào khắc phục được tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, trong 51,2 triệu người lao động, chỉ 11% có kỹ năng nghề cao và hơn 26% có bằng cấp, đã qua đào tạo, chứng chỉ. Do đó, việc tăng số người học nghề, đào tạo lao động có kỹ năng được coi là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm tới.
Số thí sinh bỏ xét tuyển đại học và số người học nghề cùng tăng trong ba năm gần đây, nhưng TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng chưa nên vội đánh giá việc này trở thành xu hướng.
Theo ông, tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn. Một số trường nghề đạt chỉ tiêu nhưng nhiều nơi khác vẫn rơi vào trình trạng thiếu sinh viên. Chẳng hạn tại trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội, chỉ tiêu năm học 2022-2023 là 1.100 nhưng đến tháng 9/2022 mới tuyển được gần 300. Tương tự, trường Cao đẳng Công thương miền Trung có hơn 1.000 thí sinh đăng ký trực tuyến nhưng số nhập học chỉ 400.
Ông Vinh đánh giá để thu hút thí sinh và thực sự biến việc chọn học nghề trở thành xu hướng, các trường cao đẳng, trung cấp cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sinh viên.
Về phía học sinh, ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng trường Cao đẳng FPT Polytechnich, khuyên các em trước khi quyết định xét tuyển đại học, học nghề hay đi làm cần tìm hiểu kỹ về ngành, nghề muốn theo đuổi, so sánh tương quan với đam mê, năng lực của mình và sự đón nhận của xã hội.
"Mọi người cứ nói rằng bằng này có giá trị, bằng kia thì không, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là người học có thể đem lại giá trị gì cho tấm bằng đó. Nếu thực sự có khả năng, các em sẽ tạo được sự ảnh hưởng cho việc mình làm", ông Thành nói.
Hoa ở Hà Nam xác định theo học trung cấp hoặc các khóa ngắn hạn để lấy chứng chỉ, sau đó mở cửa hàng làm đẹp. Mục tiêu mà em đặt ra là có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng một tháng, gấp rưỡi thu nhập của anh trai hiện tại. Nữ sinh cho biết đã tham khảo và tin tưởng mức này là khả thi.
Sau khi thuyết phục được bố mẹ, Hoa nghỉ hết các lớp học thêm. Nữ sinh nói với lực học khá, em sẽ không quá khó khăn để đỗ tốt nghiệp nên dành thời gian tự học lý thuyết massage, làm da, spa... ngay từ bây giờ.
Còn Hoàng Long nhìn nhận nghề lập trình đang có nhu cầu cao, nếu có tay nghề thì thu nhập tương đối tốt.
"Vì thế, em không lo bằng cao đẳng mất giá so với đại học", Long chia sẻ. Nam sinh cũng cho rằng với các quy định hiện nay, em có thể dành thêm 2-2,5 năm để học liên thông nếu muốn lấy bằng đại học sau này.
Nguồn: VnExpress