Mỹ chặn kế hoạch xây 3 căn cứ quân sự ở Greenland của Trung Quốc?
Hòn đảo mặc dù lớn nhất nhưng cũng thuộc hàng lạnh giá và hoang vu nhất thế giới Greenland bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý khi tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị mua nó và bị la ó.
Một trong những nhân tố khiến Mỹ quan tâm tới Greenland có thể là sự xuất hiện của người Trung Quốc tại đây. Có tin nói chính phủ Đan Mạch đã chặn lại một số kế hoạch từ chính quyền địa phương cho phép Trung Quốc tài trợ vốn và xây dựng một số sân bay ở Greenland. Nghị sỹ Mỹ Tom Cotton được báo chí dẫn lời nói năm ngoái chính phủ Trung Quốc cố gắng thuyết phục chính quyền Greenland cho phép Bắc Kinh xây dựng ba căn cứ quân sự trên đảo.
“Nhưng chính phủ và một số nghị sỹ Mỹ đã thuyết phục Đan Mạch can thiệp vào phút chót và ngăn lại thỏa thuận này”, trang tin Talk Business & Politics có trụ sở ở bang Arkansas tường thuật.
Tờ báo mạng này nói thượng nghị sỹ Cotton đã đề xuất ý tưởng với tổng thống Trump và cũng đã gặp đại sứ Đan Mạch để bàn về khả năng một vụ mua bán. “Tôi nói với tổng thống (Trump) là ngài nên mua nó (Greenland)”, ông Cotton được dẫn lời nói. Ông cũng nói thêm rằng “ ông ấy (Trump) nghe về điều đó từ tôi và một số người khác nữa”.
Theo Wall Street Journal, Tổng thống Trump đã bí mật thảo luận với một số cố vấn cấp cao Nhà Trắng về khả năng mua lại Greenland khi đến thăm Đan Mạch vào tháng 9 tới."Chúng tôi mở cửa làm ăn chứ không bán đảo", Ngoại trưởng Greenland Ane Lone nói với Reuters khi được hỏi về thông tin trên báo Wall Street Journal.
Một chuyến thăm đã lên kế hoạch tới Đan Mạch của ông Trump đã bị hủy bỏ và người đứng đầu Nhà Trắng lên Twitter giải thích lý do là vì thủ tướng Đan Mạch không hứng thú bàn chuyện bán Greenland cho Mỹ.
Mỹ từ lâu đã có quan hệ qua lại với Greenland. Theo một thỏa thuận ra đời năm 1951, Đan Mạch cho phép xây các căn cứ quân sự và trạm radar trên đảo mà không phải trả tiền thuê đất. Không quân Mỹ hiện duy trì duy nhất một căn cứ ở Thule, phía bắc Greenland, cách Bắc cực 1200km. Các sân bay quân sự ở Narsarsuaq, Kulusuk và Kangerlussuaq nay đã trở thành sân bay dân sự. Căn cứ Thule được xây dựng năm 1952, ban đầu được thiết kế làm nơi tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tầm xa. Từ năm 1961, nó trở thành căn cứ cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và giám sát không gian.
Nguồn: Báo Tiền Phong