Kinh tế toàn cầu quay cuồng, ông Trump đang làm gì với đòn trả đũa TQ?
Trong vài giờ kỳ lạ, ông tuyên bố chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) là “kẻ thù”, ra lệnh cho các công ty Mỹ rời Trung Quốc (dù Hiến pháp Mỹ không trao quyền), và nói đùa về ngày chao đảo của thị trường chứng khoán.
Những hành động dường như bốc đồng, thiếu tính toán ngày 23/8 khiến giới quan sát đặt dấu hỏi về khả năng chèo lái nền kinh tế lớn nhất thế giới của ông Trump, giữa lúc ông đang leo thang các đòn thương mại ăn miếng trả miếng với Trung Quốc. Tất cả xảy ra chỉ một ngày trước khi ông đến Pháp dự hội nghị G7 quan trọng của nhóm các nền kinh tế phát triển nhất.
Ngay cả các cố vấn và đồng minh của tổng thống cũng cảm thấy bất an về cách xử lý của ông, cho rằng ông đang để lộ sự lúng túng và lo sợ, sau các ý kiến về những “đám mây đen” lấp ló đằng xa đối với nền kinh tế - vốn được ông coi là thành tựu chính trước các cử tri.
Trong các trao đổi riêng, họ nói ông đang gây thiệt hại cho chính kinh tế Mỹ, và ngày càng phá hoại khả năng tái đắc cử của mình.
Những phát biểu, công kích chưa từng có tiền lệ
Ông Trump đã trở thành lý do lớn nhất gây ra bất ổn cho kinh tế toàn cầu, sau quãng thời gian kinh tế Mỹ tăng trưởng đều và tạo công ăn việc làm. Lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng đã tăng lên sau khi ông Trump đắc cử. Nhưng đến nay, các chỉ số về sự bất trắc đang tăng lên và làm giảm những con số tăng trưởng mà ông rất cần khi ra trước cử tri.
“Sự bất trắc, biến động thường không tốt cho nền kinh tế, vì các công ty sẽ hoãn các khoản đầu tư cố định cho đến khi sự bấp bênh được giải quyết”, N. Gregory Mankiw, giáo sư Harvard và cựu kinh tế gia trưởng trong chính quyền cựu tổng thống George W. Bush, nói với New York Times. “Tất nhiên, trong cuộc sống luôn có sự bất trắc, nhưng nếu nguyên nhân đến từ các nhà hoạch định chính sách, đó là điều không cần thiết”.
Ngày 23/8, màn phản ứng giận dữ của ông Trump diễn ra trong vài giờ trên Twitter. Ông mở đầu bằng tuyên bố “nền kinh tế vẫn mạnh và tốt, còn cả thế giới thì không tốt như vậy”.
Vài tiếng sau, ông phê phán Cục Dự trữ Liên bang vì không cắt giảm lãi suất, động thái thường dành cho trường hợp kinh tế trì trệ.
Tổng thống Trump vẫn công kích cá nhân như thói quen thường ngày, vẫn thường nhắm đến Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (Fed) Jerome H. Powell. Nhưng lần này, ông Trump đi xa hơn mọi tổng thống tiền nhiệm, khi so sánh ông Powell với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Tôi tự hỏi, ai là kẻ thù lớn hơn của chúng ta, ông Powell hay Chủ tịch Tập”, ông Trump viết trên Twitter.
Chưa bằng lòng ở đó, ông Trump đơn phương ra lệnh cho các công ty tư nhân rời khỏi Trung Quốc, sự can thiệp chưa từng có vào khu vực kinh tế tư nhân và thị trường, điều chưa tổng thống Mỹ nào từng làm.
"Chúng ta không cần Trung Quốc, và nói thật là sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ", ông Trump viết. "Các công ty Mỹ tuyệt vời được lệnh ngay lập tức tìm phương án khác thay Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa công ty VỀ NƯỚC và sản xuất hàng hóa ở Mỹ".
Trong khi các quan chức Nhà Trắng cho biết không có lệnh nào như vậy được soạn thảo, và cũng không rõ sẽ dựa trên cơ sở pháp lý nào, một tổng thống Mỹ vẫn nắm trong tay nhiều công cụ để khiến công ty Mỹ ở Trung Quốc gặp nhiều khó khăn và tổn thất lớn.
Kinh tế từ thành tựu thành “gánh nặng” của ông Trump trước cử tri
Đòn đánh thuế ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc như cơn địa chấn mới đối với thị trường chứng khoán, và cổ phiếu đã rớt giá mạnh. Nhưng tổng thống Mỹ lại tweet một câu đùa, nói người gây ra điều này là nghị sĩ đảng Dân chủ bang Massachusetts vừa tuyên bố ngừng tranh cử tổng thống.
“Chỉ số Dow Jones hạ 573 điểm, có lẽ vì tin Hạ nghị sĩ Seth Moulton, chả biết ông này là ai, đã bỏ cuộc đua tổng thống 2020!”, ông Trump viết. Chỉ số Dow Jones cuối cùng đã giảm 623 điểm vào cuối ngày giao dịch.
Những tweet của ông Trump khiến hầu hết cố vấn và quan chức dưới quyền ông ngạc nhiên. Các cố vấn lo ngại ông đang biến kinh tế, vốn là thành tựu trong nhiệm kỳ, trở thành một “gánh nặng” trước cử tri.
Họ tin rằng hai cố vấn thương mại, Robert Lighthizer và Peter Navarro, những người có chung quan điểm thù địch Trung Quốc với ông Trump, đã thúc giục tổng thống hành động như vậy. Một số người khác nhận định hai cố vấn này đã lấp đầy khoảng trống do Mick Mulvaney, quyền chánh văn phòng, đang tạo ra do không mạnh mẽ đóng góp ý kiến.
Riêng đoạn tweet “ra lệnh” cho các công ty rời Trung Quốc, theo các cố vấn, là nhằm gây sức ép khiến các công ty tự phải rời Trung Quốc.
Những người ủng hộ ông Trump “cứng rắn” với Trung Quốc nói đây là chiến dịch gây áp lực một cách thông minh và cần thiết lên quốc gia đã lợi dụng nước Mỹ để giành lợi thế thương mại từ nhiều thập kỷ nay, khi các tổng thống tiền nhiệm không hành động đủ mạnh.
Họ lập luận rằng việc làm và các nhà máy sẽ quay trở lại Mỹ, và điều đó sẽ có lợi cho cả đất nước cũng như vị thế chính trị của tổng thống.
“Ngay từ đầu, ông Trump đã là người tạo sự ổn định trong quan hệ (Mỹ - Trung)”, Stephen Bannon, từng là chiến lược gia trưởng thời kỳ đầu nhiệm kỳ Trump, nói với New York Times. “Đến nay, Trung Quốc cho thấy họ đang tiến hành chiến tranh kinh tế với Mỹ. Tổng thống đã bắn phát cảnh cáo với giới doanh nghiệp Mỹ: cuộc chiến này sẽ không qua nhanh, đã đến lúc đưa chuỗi cung ứng của các bạn về nước”.
“Ông Trump mất trí rồi chăng?”
Theo New York Times, các bình luận của ông Trump được đăng lên ngay giữa một giai đoạn đặc biệt bốc đồng của vị tổng thống Mỹ, vốn lãnh đạo theo phong cách thay đổi mọi thứ thay vì bình tĩnh, cẩn trọng.
Đây là giai đoạn mà ông đã phán tán thuyết âm mưu, kích động sự chia rẽ chủng tộc và tôn giáo, thậm chí còn nói ông là “người được (Chúa) lựa chọn”.
Ông cũng thay đổi chóng mặt về chính sách trong thời gian gần đây, chỉ riêng tuần qua đã đảo ngược lập trường về kiểm soát súng, giảm thuế và viện trợ nước ngoài. Ông còn hủy chuyến thăm Đan Mạch vì thủ tướng nước này nói sẽ không bán đảo Greenland cho Mỹ.
“Ông Trump mất trí rồi chăng, hay ông vẫn như trước nhưng nghiêm trọng hơn một chút?”, Russell Riley, học giả nghiên cứu tổng thống ở đại học Virginia, đặt câu hỏi. “Nền dân chủ không nên chiến tranh thương mại với một nền kinh tế (như Trung Quốc), vì về lý thuyết, khi mọi thứ tệ đi, các nước dân chủ không có nhiều lựa chọn như ở các nền kinh tế toàn trị mọi hoạt động”.
Tính khí của ông Trump vốn là chủ đề tranh luận bấy lâu nay, lại đang được bàn tán. Trên Twitter, những ý kiến chỉ trích lại kêu gọi vận dụng Tu chính án số 25 của Hiến pháp Mỹ, cho phép phế truất tổng thống không còn đủ bình tĩnh để lãnh đạo.
Ông Trump là “mối nguy rõ ràng và thường trực - với đất nước, với thế giới và với chính ông ta”, cựu thống đốc William Weld của bang Massachusetts, viết trên Twitter, dùng hashtag #25thAmendment (#Tu chính án số 25).
Kinh tế thế giới sẽ là chủ đề trung tâm vào cuối tuần ở Biarritz, Pháp, khi ông Trump tới gặp các nguyên thủ từ nhóm G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật. Họ sẽ cẩn trọng theo dõi từng bước đi của ông Trump.
Còn ở trong nước, các chỉ số cho thấy giới lãnh đạo tập đoàn Mỹ đang giảm lòng tin về tương lai. Một chỉ số phản ánh sự bất trắc trong chính sách toàn cầu do nhóm nghiên cứu từ đại học Chicago, đại học Northwestern và đại học Stanford tổng hợp đã đạt kỷ lục vào tháng 6.
Phiên bản tương tự của chỉ số này cho riêng nước Mỹ cũng tăng vọt dưới thời ông Trump. Tháng 6, chỉ số này gấp 6 lần so với mức trung bình giữa những năm 80.
"Các doanh nghiệp không thể lên kế hoạch cho tương lai trong môi trường kiểu này", David French, phó chủ tịch của Liên hiệp Bán lẻ Quốc gia, nói với New York Times. "Cách tiếp cận của chính quyền rõ ràng không hiệu quả và câu trả lời không phải là thêm thuế đối với doanh nghiệp Mỹ và người tiêu dùng... Khi nào mới chấm dứt?"
Đó là câu hỏi không ai trên thế giới có thể trả lời.
Nguồn: Báo Zing