Dự thầu cao tốc Bắc - Nam: Nhà đầu tư Trung Quốc áp đảo

Nhà đầu tư ngoại, chủ yếu là Trung Quốc, chiếm hơn một nửa trong tham gia sơ tuyển các dự án cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Độc Lập

Tuy nhiên, việc rất ít nhà đầu tư đến từ châu Âu, Hàn Quốc, trong khi áp đảo là nhà đầu tư Trung Quốc đang dấy lên nhiều băn khoăn.

Nhà đầu tư Trung Quốc “rải thảm”

Sơ tuyển mới chỉ là bước đầu tiên sơ bộ đánh giá chung, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng mới là bộ lọc cuối cùng và quan trọng để lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực cả về vốn và kinh nghiệm

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT

Theo số liệu từ các ban quản lý dự án (QLDA), tính đến thời điểm đóng hồ sơ sơ tuyển của 8 dự án thành phần đầu tư theo phương thức công - tư (PPP) của cao tốc Bắc - Nam, đã có 60 bộ hồ sơ được nộp.

Đáng chú ý, chỉ có 2 nhà đầu tư Pháp tham gia là liên danh VINCI Highways - Horizon Invest. Trong khi đó doanh nghiệp (DN) Trung Quốc “rải thảm” hồ sơ khi tham gia vòng sơ tuyển của nhiều dự án. Có thể kể tới Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc và các công ty thành viên như China Railway Construction Investment Group Co., China Railway 21st Bureau Group Co... Nhóm nhà đầu tư này liên danh với một số doanh nghiệp VN nộp hồ sơ tham gia dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc cũng là công ty mẹ của Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc - tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, nhiều DN Trung Quốc khác cũng tham gia sơ tuyển vài dự án cùng lúc như Công ty cơ khí cảng Trung Quốc, Tổng công ty cầu và đường Trung Quốc...

Đại diện một ban QLDA cho biết, các DN Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia sơ tuyển đều là những tên tuổi khá lớn. Trong đó, Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Daewoo, Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Lotte từng tham gia xây dựng tại VN như gói thầu tại Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Hyundai. Việc liên danh với một số DN trong nước để “mượn” yếu tố kinh nghiệm, còn đa số các nhà đầu tư Trung Quốc hay Hàn Quốc đều rất mạnh về yếu tố vốn tự có cũng như khả năng huy động vốn với lãi suất rất thấp (0 - 2%).

Doanh nghiệp nội buộc phải liên kết

Cao tốc Bắc - Nam thu hút đông nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tham gia, chủ yếu đến từ Trung Quốc - Ảnh: Ngọc Thắng

Dù không xuất hiện những tập đoàn tư nhân lớn của VN được kỳ vọng sẽ tham gia cao tốc Bắc - Nam, song các dự án thành phần vẫn có những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực giao thông như Đèo Cả, Phương Thành, FECON, Cienco 4, Tasco, Cottecons, Sơn Hải... Nếu tính cả liên danh trong nước, liên danh với Trung Quốc, Hàn Quốc, số bộ hồ sơ có tên các nhà đầu tư VN tham gia sơ tuyển cũng chỉ dừng lại ở con số 29, xấp xỉ 50% số lượng hồ sơ dự tuyển. Đáng chú ý, trong số 8 dự án, có dự án QL45 - Nghi Sơn không nhà đầu tư nào của VN tham gia.

Đứng tên trong liên danh tham gia thầu, nhưng một số DN trong nước chỉ là thành viên, đứng đầu vẫn là các DN Trung Quốc. Cụ thể như liên danh China Railway Construction Corp., China Railway Construction Investment Group Co. và Công ty CP Tasco tham gia sơ tuyển cả dự án Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, song Tasco chỉ là thành viên, đứng đầu liên danh là China Railway Construction Corp.

Thậm chí, có liên danh do DN Trung Quốc đứng đầu, trong khi DN VN tham gia là cái tên khá lạ như liên danh China National Machinery Import&Export Corp - China Railway 21st Bureau Group và Công ty TNHH xây dựng Tự Lập tham gia sơ tuyển cả gói Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Song theo tìm hiểu, Công ty TNHH xây dựng Tự Lập là doanh nghiệp có quy mô khá nhỏ, trụ sở tại Phú Thọ và chỉ mới tham gia một vài dự án bất động sản, đường sá nhỏ.

Việc DN trong nước phải tìm cách liên kết 3 - 4 nhà đầu tư nội khác, hoặc tham gia liên danh với 2 - 3 DN ngoại là điều đã được dự đoán trước vòng sơ tuyển. Lý do đa số DN trong nước nếu đứng riêng lẻ khó lòng thỏa mãn các tiêu chí về vốn chủ sở hữu hoặc công trình tương tự. Sau khi mở thầu sơ tuyển nhà đầu tư, các ban QLDA sẽ tiến hành chấm sơ tuyển để đánh giá năng lực và kinh nghiệm nhà đầu tư theo tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu với thang điểm 100 (năng lực tài chính nhà đầu tư chiếm 60 điểm, năng lực kinh nghiệm chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án 10 điểm). Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang từ cao xuống thấp trước khi vào vòng đấu thầu chính thức.

Siết bộ “lọc” nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT, hiện Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn đang hoàn thiện xây dựng hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng cho 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, dự kiến hơn 1 tháng tới sẽ hoàn thiện. Sau khi hoàn thiện, Bộ GTVT sẽ tham vấn ý kiến các bộ ngành cũng như các chuyên gia trước khi chốt, vì hồ sơ mời thầu cũng như hợp đồng quy định các điều khoản rất chặt chẽ và phức tạp.

“Sơ tuyển mới chỉ là bước đầu tiên sơ bộ đánh giá chung, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng mới là bộ lọc cuối cùng và quan trọng để lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực cả về vốn và kinh nghiệm”, ông Huy cho biết.

Trên thực tế, việc xây dựng hồ sơ mời thầu cho quá trình đấu thầu quốc tế của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam là việc khá mới mẻ, ngay cả với Bộ GTVT. Các tiêu chí đưa ra thế nào để “lọc” được nhà đầu tư có năng lực thực sự là một thách thức lớn, đi kèm là cơ chế, điều khoản kiểm soát chặt liên quan đến tiến độ huy động vốn, tiến độ thi công, sử dụng nhà thầu nội, vật tư trong nước như thế nào...

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, các nhà thầu Trung Quốc thường có nhiều “chiêu trò” để vượt qua các bước đánh giá kỹ thuật, năng lực; để rồi sau khi trúng thầu, các nhà thầu Trung Quốc lại xin điều chỉnh nhiều thứ, làm chậm tiến độ, gây đội vốn, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên gấp nhiều lần, chưa kể để lại nhiều hệ lụy về chất lượng công trình. Mặt khác, phần quản lý phía VN cũng có nhiều kẽ hở, có thể tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc có cơ hội làm sai, “chen chân” vào các dự án. Vì thế, dù là đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước, cần đặt ra 4 tiêu chí, điều kiện cụ thể: Thứ nhất về mặt công nghệ, vừa phải dùng công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng phải áp vào thực tế tại VN, đảm bảo phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giao thông, thói quen của người Việt. Thứ hai, đảm bảo giá cả tiết kiệm, tránh lặp lại trường hợp VN làm metro đắt gấp rưỡi thế giới, trong khi mọi thứ từ giá cả vật liệu, nhân công... tại VN đều rẻ hơn rất nhiều. Thứ ba, tiến độ công trình phải được nêu rõ trong hợp đồng, đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Cuối cùng, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật lao động và tất cả những phát sinh về chất lượng, tài chính phải được đưa hết vào trong hợp đồng thật chi tiết, cụ thể.

“Trong hợp đồng cũng cần có độ trễ cho phép. Đơn cử, tôi cho phép anh chênh lệch giá cả từ 10 - 15% so với hợp đồng, nếu vượt quá anh phải tự bỏ tiền bù vào. Tiến độ được phép trễ nhiều nhất nửa năm, hoàn thành sớm thì được thưởng, hoàn thành trễ quá nửa năm thì bị phạt. Tất cả các ràng buộc phải có tính chất pháp lý về trách nhiệm của cả 2 bên. Nếu làm hợp đồng một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học, dù đấu thầu trong nước hay quốc tế vẫn đảm bảo được chất lượng, giá cả và tiến độ của công trình”, ông Thủy nêu ý kiến.

Nguồn: Báo Thanh Niên