Cứ 5 thanh niên độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc thì một người thất nghiệp, theo số liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố tháng 7/2022. Đến tháng 3 năm nay, mọi thứ vẫn không được cải thiện khi tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi này là 19,5%, tăng gần 3% so với trước đó ba tháng và cao nhất kể từ khi chỉ số này được ghi nhận (2018).
Một nghiên cứu của Li Xiaogang, Phó giáo sư Xã hội học ở Đại học Giao thông Tây An, cùng các cộng sự cho thấy 34% sinh viên có bằng cấp "không phù hợp theo chiều ngang", tức công việc của họ ít liên quan đến ngành học, thường xảy ra với sinh viên tốt nghiệp các ngành sinh thái học, kỹ thuật và nông nghiệp.
Trong khi đó, 24% sinh viên tốt nghiệp gặp tình trạng "không phù hợp theo chiều dọc", nghĩa là bằng cấp cao hơn so với vị trí hiện tại. Hầu hết theo học tại các trường có chất lượng trung bình, điểm không tốt hoặc kém tiếng Anh.
"Thật không may cho những sinh viên tốt nghiệp năm nay khi tỷ lệ này trên đà tăng lên", ông Li nói.
Thực trạng này vốn đã được chỉ ra từ lâu. Hồi tháng 6 năm ngoái, nói với SCMP, Vergil Yin, thạc sĩ kinh doanh quốc tế, cho biết bằng thạc sĩ từ một trường đại học hàng đầu đã trở thành ngưỡng đầu vào cho nhiều vị trí.
"Nhưng trong hầu hết trường hợp, người tốt nghiệp cử nhân có thể dễ dàng hoàn thành những công việc này, miễn là họ có kinh nghiệm thực tế", Yin nói.
Trong khi đó, gần đây China Tobacco Henan công bố gần một phần ba số nhân viên mới được tuyển dụng trong nhà máy sản xuất thuốc lá của họ có bằng sau đại học. Điều này đã dấy lên một cuộc tranh luận rộng khắp ở Trung Quốc.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là sự chênh lệch giữa trình độ của ứng viên với những gì doanh nghiệp cần, theo ông Li.
Trước đó, Tao Yu, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Tây Australia, cũng nhận định kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm.
Vào những năm 1980 và 1990, sinh viên tốt nghiệp đại học không mấy khó khăn khi tìm việc làm. Năm 1999, Trung Quốc đưa ra chiến lược mở rộng đại học, nhằm tạo ra lực lượng lao động có trình độ, đáp ứng các ngành công nghiệp cao cấp.
Nhưng tốc độ mở rộng là con dao hai lưỡi. Ông Li cho rằng những năm đầu, các trường đại học và cao đẳng nghề tập trung mở rộng về "lượng": tăng quy mô, chi nhánh, giảng viên, tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Khoảng 10 năm trở lại đây các trường mới ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, cũng như tối ưu hóa cơ cấu hoạt động. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng không còn quá coi trọng bằng cấp, khiến sinh viên mới ra trường càng ngày càng khó tìm việc làm.
Thêm nữa, các trường có xu hướng phụ thuộc vào lộ trình có sẵn khi mở chuyên ngành mới. Việc này có thể hạn chế khả năng thích nghi của họ với thị trường lao động đang phát triển nhanh chóng, khiến chương trình lạc hậu với nhu cầu của doanh nghiệp.
"Vài năm gần đây khi cuộc cách mạng kỹ thuật số diễn ra, tạo ra nhiều loại công việc mới khiến các trường đại học Trung Quốc phải chật vật để bắt kịp sự thay đổi. Sinh viên không được dạy nhiều kỹ năng mà thị trường có nhu cầu, nên hoang mang khi bước vào thị trường lao động", ông Li nhận định.
Chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để sinh viên tìm kiếm việc làm. Trong đó, nhà nước khuyến khích các trường đại học đến thăm các doanh nghiệp, kết nối các chương trình giảng dạy của họ với nhu cầu lao động của thị trường.
Nguồn: VnExpress