Đại học than khó nếu không tăng học phí

Bị cắt ngân sách sau khi "tự chủ", nhưng học phí phải như cũ, nhiều đại học lo khó đảm bảo chất lượng, giữ chân giảng viên giỏi và đầu tư cơ sở vật chất.

Trường Đại học Công thương TP HCM ba năm qua thu học phí 27-30 triệu đồng một năm. Năm học tới, trường dự kiến tăng khoảng 10%. Mức này được trường tính toán nhằm không gây "sốc" cho sinh viên, giúp đảm bảo chất lượng sau ba năm gặp khó khăn vì học phí giữ nguyên. Nhưng, trường bất ngờ nhận được thông tin dự kiến không tăng học phí.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 31/7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81 về học phí công lập, theo hướng không tăng học phí năm học 2023-2024.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường Đại học Công thương TP HCM, nói: "Nếu không tăng học phí, các trường vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, thậm chí đứng trên bờ vực đóng cửa".

Đại diện một trường khối kỹ thuật ở Hà Nội cho biết khi chưa tự chủ, trường được hưởng ngân sách nhà nước khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm. Khi tự chủ một phần, số này giảm một nửa. Để duy trì hoạt động, trường trông chờ vào nguồn thu học phí, chiếm 80-95% tổng nguồn thu.

"Giờ không được tăng học phí, chúng tôi lấy gì để duy trì hoạt động và cải thiện chất lượng, cơ sở vật chất?", ông đặt câu hỏi.

Nguồn thu không tăng, song từ 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng một tháng. Với hơn 500 cán bộ, giảng viên, trường này dự kiến mức chi lương hàng năm tăng khoảng 20 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với trước). Điều này khiến trường phải hoãn các kế hoạch khác để dồn tiền trả lương người lao động.

Là đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn, trường Công thương TP HCM bị cắt 100% đầu tư từ ngân sách nhà nước. Học phí giữ nguyên ba năm liên tiếp nhưng theo ông Sơn, mọi thứ liên quan đến cơ sở vật chất đều đắt đỏ hơn giai đoạn 5 năm trước khoảng 20-30%. Lương cơ sở tăng cũng kéo theo lương, phụ cấp của giáo viên tăng thêm gần 20 tỷ đồng một năm.

Do đó, trường phải cắt các khoản chi thưởng, du lịch cho giảng viên; giảm đầu tư cho hoạt động thí nghiệm, thực hành của sinh viên. "Trước đây, hàng năm trường trích 150 tỷ đồng từ học phí cho hoạt động này thì năm qua con số này chỉ khoảng 115 tỷ", ông Sơn nói.

Lãnh đạo một trường khối Y Dược cũng lo lắng khi biết tin. Vị này cho hay đào tạo Y khoa đặc thù, chi phí đắt đỏ hơn so với nhiều ngành khác. Ở một số trường, học phí thu từ sinh viên chưa đủ để chi trả lương cho giảng viên, chưa nói đến chi phí đầu tư khác. Do đó, khi bị cắt hoàn toàn ngân sách sau tự chủ nhưng không được tăng học phí, chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nghị định 81 ra đời năm 2021, quy định mức trần học phí đến năm học 2025-2026 với mức tăng dần đều. Những trường đã tự chủ, tùy mức độ, được thu tối đa gấp 2-2,5 lần mức quy định. Nghị định này đã thúc đẩy nhiều trường cố gắng tiến tới tự chủ để được thu học phí cao hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

"Nhưng từ khi ra đời đến nay, học phí không hề tăng theo nghị định. Vậy các trường liệu có tự chủ được thành công?", ông nói.

Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia TP HCM, ngày 26/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia TP HCM, ngày 26/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Cách đây vài tháng, hầu hết đại học đã thông báo dự kiến tăng học phí trong đề án tuyển sinh. Các trường cũng đã có kế hoạch năm học, trong đó có các hạng mục đầu tư, sửa chữa, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, hợp tác. Nếu không được tăng học phí, kế hoạch phải làm lại toàn bộ theo hướng cắt giảm hoặc hoãn.

GS.TS Phạm Hồng Chương, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết dù không đến mức "phanh gấp", các hoạt động đầu tư dài hạn về cơ sở vật chất bị ảnh hưởng nếu việc không tăng học phí được thông qua.

Từ năm 2019, trường giữ ổn định mức học phí 16-22 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn, 45-65 triệu với chương trình đặc thù. Mức này đang duy trì thấp hơn chi phí đào tạo thực tế, theo ông Chương.

"Năm học này, trường dự kiến tăng 5% học phí. Nếu không được, trường có thể phải hoãn một số kế hoạch dài hạn để dồn chi phí sang hoạt động chi thường xuyên", ông Chương nói.

Về lương giảng viên, nhiều trường phải xoay sở vất vả. Ông Sơn ở Đại học Công thương TP HCM cho biết thời gian qua trường đã chi đào tạo để có thêm gần 100 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Nhưng nếu thu nhập không tốt hơn trước, có thể sau 3-4 năm nữa, số này sẽ bỏ bởi nhiều trường tư thục đang có chính sách thu hút giảng viên chất lượng.

Không tăng học phí được cho là sẽ giúp sinh viên khó khăn tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết hiện học bổng và số tiền cho sinh viên vay vốn được căn cứ vào mức học phí. Học phí không tăng đồng nghĩa học bổng, số tiền sinh viên được vay hàng tháng không tăng. Điều này ảnh hưởng chủ yếu đến sinh viên nghèo - nhóm rất cần được hỗ trợ.

"Giờ chỉ vay được hơn một triệu đồng mỗi tháng, các em có thể làm gì", ông Thành đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Sơn nói các trường bị đẩy vào thế khó khi không được tăng học phí nên sẽ không hỗ trợ được nhiều cho nhóm này. Trong khi đó, sinh viên khá giả vẫn được hưởng lợi nhờ học phí thấp.

Ông Sơn cho rằng hướng làm đúng là các trường được điều chỉnh học phí theo lộ trình, kèm theo những chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn. Đồng thời, nhà nước có chính sách cho sinh viên nghèo vay vốn với lãi suất thấp. Chẳng hạn như việc TP HCM thí điểm đề án cho sinh viên vay tín chấp để phục vụ học tập từ năm học tới.

Ông Thành đề xuất các trường được phép tăng học phí theo lộ trình, đồng thời nới mức trần vay vốn cho sinh viên, căn cứ vào tỷ lệ tăng lương cơ bản hoặc hệ số lạm phát.

"Nếu có chủ trương, mong Chính phủ chốt và thông báo sớm để các trường chủ động, điều chỉnh và thông tin cho sinh viên", ông Chương kiến nghị.

Nguồn: Vnexpress