Bộ GD-ĐT nói gì việc các trường tư thục đua nhau mở ngành y?
Năm 2021, nhiều trường đại học tư thục dự kiến mở các ngành mới thuộc khối sức khỏe. Có thể kể tới như Trường ĐH Văn Lang dự kiến mở các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền. Trước đó, trường này cũng vừa mở ngành Răng – Hàm – Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm y học.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến sẽ mở 2 ngành mới là Kỹ thuật Xét nghiệm y học và Điều dưỡng.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến mở thêm 8 ngành thuộc khối sức khỏe. Đại diện trường này cho biết, việc tuyển mới các ngành học thuộc khối ngành sức khỏe là do nhận thấy nhu cầu hiện nay của xã hội rất lớn.
Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT cho biết, việc các trường đại học mở các ngành và tổ chức đào tạo ngành sức khỏe là nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cấp thiết cho thị trường lao động.
Theo quy định, “các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật”. Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục đại học được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo cung cấp nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là các trường phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng. Thông tư số 22 do Bộ GD-ĐT ban hành về điều kiện, quy trình mở ngành và đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học của Bộ GD-ĐT cũng đã quy định tiêu chí cụ thể về giảng viên, cơ sở vật chất.
Riêng với khối ngành sức khỏe, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định trong thông tư này, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe còn phải tuân thủ các quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành theo quy định.
Theo đó, tất cả các hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục đại học đối với khối ngành Sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, khối ngành Sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù. Bộ GD-ĐT sẽ quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.
Với tất cả các hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.
Bộ GD-ĐT cho biết, hàng năm, Bộ cũng sẽ thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, đảm bảo chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo. Với những ngành không đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng, duy trì ngành đã mở sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.
Theo đó, trong thời gian tới, tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục đại học, nếu muốn được hành nghề khám chữa bệnh phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.
Các yêu cầu, điều kiện để mở ngành đào tạo khối ngành Sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 22/20217/TT-BGDĐT cao hơn so với các ngành khác. Cụ thể như sau:
Để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo.
Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Cụ thể ngành Y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành Y học cổ truyền cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 3 tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng hoặc y tế công cộng.
Ngành Răng - Hàm - Mặt được quy định có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 2 tiến sĩ y học lâm sàng và 3 tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt. Ngành Y học dự phòng cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, một tiến sĩ y học lâm sàng và 4 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Thông tư 22 cũng nêu chi tiết điều kiện cơ sở vật chất đối với một số ngành thuộc nhóm sức khỏe. Các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt, Y học dự phòng, Điều dưỡng ít nhất phải có phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh - Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh...
Nguồn: VOV