Áp lực phải 'siêu gầy, siêu mỏng'

Yêu cầu phải có thân hình 'mỏng như giấy', người cao, chân dài của giáo viên khiến nhiều học sinh ngành múa cặp khó.

Khoảnh khắc nhận tin Ziqi (12 tuổi) ở Thâm Quyến trúng tuyển vào trường nghệ thuật chuyên nghiệp hồi tháng 4, cả gia đình cô bé vỡ òa bởi hàng nghìn học viên đăng ký mỗi năm nhưng chỉ nhận tối đa 30 người.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển, Ziqi phải ép cân từ 34 kg xuống 25 kg để có thân hình hoàn hảo, nhưng cường độ tập luyện không đổi. Yao miêu tả khi nhìn ngang, con gái trông giống một tờ giấy.

Hơn chục năm trước, các gia đình Trung Quốc chỉ chú trọng vào việc học thay vì cho con theo đuổi nghệ thuật. Nhưng khi tầng lớp trung lưu tăng lên, nhiều người bắt đầu cho con tham gia các lớp học múa khi bởi được truyền cảm hứng từ nhiều vũ công trở nên thành công và nổi tiếng.

Xie Tianli, người sáng lập Feeling Dance, một studio khiêu vũ ở Thâm Quyến chuyên ôn luyện cho học sinh tham gia các cuộc thi cho biết hy vọng con cái sẽ trở thành ngôi sao truyền hình khiến ngày càng nhiều phụ huynh cho trẻ khiêu vũ hoặc tham gia vào các kỳ thi trong trường nghệ thuật. Đơn cử như trung tâm của Xie, số lượng học viên đăng ký học năm 2022 tăng gấp đôi so với 2021.

Các kỳ thi vào trường nghệ thuật nổi tiếng rất căng thẳng, hàng chục nghìn ứng viên, đa phần trong độ tuổi 11-12, phải cạnh tranh cho 20-30 chỉ tiêu. Ngoài tập trung vào khả năng vũ đạo, ban tuyển sinh sẽ cân nhắc chọn các ứng viên đảm bảo tiêu chí "ba dài, một thấp, một cao và hai 12". Cụ thể là tay dài, chân dài, cổ dài, đầu nhỏ, mu bàn chân cao, chân dài hơn thân mình ít nhất 12 cm và sải tay dài hơn chiều cao ít nhất 12 cm.

Tiêu chuẩn quan trọng về ngoại hình để các ứng viên có thể trúng tuyển vào các trường nghệ thuật. Ảnh: Ding Yining

Tiêu chuẩn quan trọng về ngoại hình để các ứng viên có thể trúng tuyển vào các trường nghệ thuật. Ảnh: Ding Yining

Mối lo ngại của người dân về văn hóa giảm cân trong các trường dạy khiêu vũ của Trung Quốc đang gia tăng. Nhất là khi các giáo viên luôn rao giảng về tầm quan trọng của ép cân, còn học viên lại cho rằng cơ hội thành công không nằm ở việc cải thiện kỹ thuật mà là thu nhỏ vòng eo.

Xue Ping, giáo viên dạy khiêu vũ ở Thâm Quyến, tiết lộ hầu hết trẻ em đăng ký vào các trường nghệ thuật đang ăn kiêng quá mức. Một số em chỉ ăn thức ăn lỏng trước kỳ thi để trông rất gầy. Điều này còn trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch, khi các kỳ thi diễn ra trực tuyến và học sinh lo lắng rằng bản thân có thể trông nặng nề hơn trước máy quay.

Trong video lan truyền trên mạng xã hội của nước này cho thấy nhóm một các cô gái trẻ tập múa khi đầu được quấn chặt trong nhiều lớp màng bọc thực phẩm. Ở những nơi khác, các huấn luyện viên liên tục hô khẩu hiệu "gầy mới đẹp" trong lúc học viên rèn luyện thể chất.

Những video này thu hút hàng chục triệu lượt xem đã gây ra phản ứng mạnh mẽ, nhiều bình luận chỉ trích các hoạt động này là "khủng khiếp" và bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của nữ sinh. Tuy nhiên, một số người chỉ ra, bản chất của các kỳ thi ở trường nghệ thuật đã khuyến khích các phương pháp đào tạo như vậy bùng nổ.

"Nếu bạn không đủ gầy, bạn sẽ bị loại ngay từ vòng đầu tiên", một người dùng mạng viết.

Hình ảnh từ một video đăng trên mạng xã hội cho thấy các nữ sinh tập luyện với đầu được quấn trong nhiều lớp màng bọc thực phẩm. Ảnh chụp màn hình

Hình ảnh từ một video đăng trên mạng xã hội cho thấy các nữ sinh tập luyện với đầu được quấn trong nhiều lớp màng bọc thực phẩm. Ảnh chụp màn hình

Luciana Bracco, giáo viên dạy khiêu vũ đến từ Mexico đang làm việc ở Thâm Quyến từ năm 2020, nhận thấy mô hình tuyển chọn mà các trường nghệ thuật Trung Quốc sử dụng rất bất thường và quá khắt khe.

"Có vẻ như các bé gái phải giống với mẫu cơ thể lý tưởng mới có thể khiêu vũ, còn những trường hợp khác sẽ bị loại", cô nói.

Tuy nhiên điều này khiến nhiều người đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe giảm sút. Một số học sinh tại các trường nghệ thuật Trung Quốc cũng thừa nhận bị rối loạn ăn uống. Không ít người từng áp dụng các phương pháp giảm cân cực đoan như ăn khăn giấy hoặc uống sữa tắm để gây nôn sau ăn. Nhiều học sinh rối loạn kinh nguyệt sau khi bị suy dinh dưỡng, trong khi số khác bị bị lo lắng và trầm cảm.

Bên cạnh đó, một số sinh viên cho biết sự phân biệt đối xử của giáo viên trong các trường nghệ thuật gây trở ngại tâm lý. Ye Xiaolong (20 tuổi) đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh năm 2015 nhưng luôn bị giáo viên ngó lơ bởi cổ và tay, chân bị cho là quá ngắn. Bất chấp những đánh giá "không có tiềm năng phát triển" của các giáo viên Trung Quốc, Ye hiện theo học khiêu vũ tại một trường hàng đầu ở Mỹ.

"Tôi cảm thấy bị đối xử bất công. Nếu đánh giá các sinh viên học khiêu vũ ở Mỹ theo tiêu chuẩn ở Trung Quốc, 2/3 học viên trong lớp tôi sẽ bị loại", Ye nói.

Wen Rouyue (21 tuổi) cũng có trải nghiệm tương tự. Cô được nhận vào một trường múa hàng đầu của Trung Quốc năm 12 tuổi, nhưng ước mơ được khiêu vũ trên sân khấu của cô không bao giờ thành hiện thực khi giáo viên cho rằng những học sinh khác có thể hình vượt trội hơn Wen.

"Giáo viên của tôi đã phớt lờ và từng hành hung tôi. Điều đó khiến tôi bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng và không thể tiếp tục" Wen nói.

Một số nữ sinh đang tập duỗi người trong lớp múa ba lê ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) năm 2018. Ảnh: Liu Guanguan/CNS/VCG

Một số nữ sinh đang tập duỗi người trong lớp múa ba lê ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) năm 2018. Ảnh: Liu Guanguan/CNS/VCG

Trước chia sẻ trên, một số giáo viên khiêu vũ đã có những ý kiến khác nhau về việc các trường nghệ thuật của Trung Quốc nên thay đổi như thế nào.

Đối với Bracco, cô cho rằng các trường học nên giảm tập trung vào thể chất và nỗ lực để trau dồi kỹ thuật, niềm đam mê khiêu vũ của trẻ. "Các nghiên cứu hiện nay cho thấy không phải vũ công thừa cân mà họ đang phát triển cơ bắp sai cách. Vấn đề chính nằm ở giáo viên - người cần thay đổi từ tư duy đến hành động", cô phân tích.

Đáng chú ý, phương pháp lựa chọn ứng viên có tiềm năng về ngoại hình hơn thực lực không giúp Trung Quốc cạnh tranh trên trường quốc tế. Như tại cuộc thi múa ba lê uy tín nhất thế giới Lausanne 2023, không một thí sinh nào của Trung Quốc lọt vào vòng chung kết, bởi đánh giá của ban giám khảo cho thấy họ liên tục mắc lỗi trong kỹ thuật.

"Phô diễn kỹ thuật cực kỳ quan trọng, nhưng đây là điều mà hầu hết các vũ công Trung Quốc không có" Bracco nói.

Nguồn: Vnexpress