Vợ chồng 9X bỏ phố về rừng ngập mặn làm giàu, thu nhập ổn định

Từ vùng miệt thứ ở U Minh Thượng xa xôi, anh Dương lặn lội lên Cần Thơ với mong muốn có được tấm bằng đại học. Nhưng khi sắp hoàn thành chương trình của đại học Cần Thơ (năm 2015), anh lại nghỉ ngang, chọn về quê làm nông trại cùng gia đình.

Cặp vợ chồng 9X bỏ phố về rừng khởi nghiệp với số vốn 100 triệu đồng.

Vợ của anh, chị Lưu Kiều Diễm (SN 1992, quê Hậu Giang) sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính ngân hàng cũng về quê đi làm và mở quán kinh doanh riêng.

Năm 2017, anh Dương - chị Diễm quyết định cùng nhau tới Bạc Liêu để bắt đầu hành trình khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng và kinh doanh thủy sản sạch dù vấp phải sự phản đối của gia đình. "Lúc mới về Bạc Liêu lập nghiệp chúng tôi còn chưa kết hôn. Sau khoản 1 năm, tôi và vợ mới làm đám cưới trong khi mô hình kinh doanh vẫn chưa thấy khả quan", anh Dương nhớ lại.

Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu thực hiện kế hoạch chỉ với số vốn 100 triệu đồng từ tiền tiết kiệm trước đó và vay mượn, cũng như ủng hộ của bạn bè. Lập nghiệp nơi xứ lạ, không quen biết ai, hai anh chị phải tự tay làm hết mọi việc từ tìm nơi thuê đất, dựng nhà đến làm đường đi, sửa chữa bờ ao.

Do không phải dân bản địa, chưa hiểu hết được thổ nhưỡng khí hậu nên trong quá trình thử nghiệm anh Dương đã không ít lần mắc phải sai lầm, phải “đập đi làm lại” mọi thứ. Trước những thất bại của anh, không chỉ ba mẹ phản đối mà ngay cả những người hàng xóm cũng bảo anh chị bị “điên”, là mơ mộng khi định phát triển du lịch sinh thái tại vùng đất ngập mặn heo hút này.

Để có thêm vốn, ngoài sự giúp đỡ của những “nhà đầu tư” chưa từng biết mặt, chỉ quen qua mạng xã hội, vợ chồng anh Dương còn kinh doanh thêm mặt hàng hải sản sạch trên các hội nhóm online. Những đồng lãi thu được từ công việc kinh doanh tiếp tục được anh đầu tư cho ý tưởng của mình. Tuy nhiên chàng trai sinh năm 1991 thừa nhận làm một việc khác người chưa bao giờ là dễ. Được biết, để hỗ trợ việc làm ăn của chồng, chị Diễm đã phải chấp nhận bán đi đôi nhẫn cưới.

Suốt thời gian gần 2 năm, trải qua bao lần thử nghiệm thất bại, anh Dương vẫn không nản chí mà tiếp tục đổi mới sáng tạo mô hình du lịch trải nghiệm. Cuối cùng những nỗ lực của anh đã được đền đáp khi tháng 10/2019, cái tên “Nông Trại Tôm Khỏe” được ra đời tại ấp 13, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

“Tên gọi Tôm Khỏe với mong muốn thúc đẩy những quy trình nuôi trồng thủy sản sạch từ đó giúp bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mang lại những nguồn tôm cá chất lượng kết hợp tham quan, bảo tồn tài nguyên rừng ngập mặn cho cộng đồng’’, anh Dương giải thích.

Với tư duy nhạy bén anh chị đã tìm hiểu, học hỏi cách làm từ những mô hình du lịch quanh vùng cũng như kết hợp nhiều yếu tố có sẵn xung quanh nông trại. “Đường sá giao thông dù không thuận lợi nhưng không quá xa trung tâm. Tài nguyên sẵn có như rừng ngập mặn, nguồn hải sản nơi đây luôn dồi dào nên vợ chồng tôi quyết định bắt tay vào làm’’, chị Diễm cho hay.

Ngày càng nhiều du khách tìm đến nông trại Tôm Khỏe của anh Dương.

Chiến lược kinh doanh của vợ chồng anh Dương là đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch sinh thái với các trải nghiệm như chèo bè, câu cá, câu cua, giăng lưới, mò tôm, ăn uống, giải trí, ca hát trên bè bồng bềnh len lỏi trong cánh rừng đước…

Vậy là từ một nơi heo hút tưởng chừng không thể thu hút khách du lịch nhưng nhờ yếu tố độc lạ và dịch vụ chu đáo, tận tâm mà từ đó đến nay hai vợ chồng vẫn đón khách điều đặn. "Giá vé vào tham quan để cùng hai vợ chồng tôi trải nghiệm cuộc sống một ngày làm nông dân là 30.000 đồng. Du khách đặt món thì sẽ tính riêng. Số tiền này giúp chúng tôi trang trải cuộc sống và mua trang thiết bị mới phục vụ du khách’’, chị Diễm cho hay.

Du khách có thể bắt cua rồi nấu nướng tại chỗ.

Nhóm bạn trẻ hóng mát và thưởng thức đặc sản giữa khu rừng ngập mặn.

Đến với nông trại, khách sẽ được cung cấp bè để dạo một vòng trong rừng ngập mặn. Địa điểm nào mát thì sẽ dừng lại để nghỉ ngơi ăn uống, ngắm cảnh đẹp tự nhiên của rừng ngập mặn. Ngoài ra du khách còn có thể bơi xuồng, câu cá hay mò bắt tôm dưới ao sau đó cùng vợ chồng chủ nông trại chế biến các món ăn ngay tại chỗ. "Để tránh nhàm chán cho du khách khi lưu trú, chúng tôi đang thử nghiệm mô hình đi bẫy cua vào buổi tối và bắt ba khía để làm đa dạng sản phẩm du lịch về đêm", anh Dương kể.

Chị Diễm tự tay chế biến các món dân dã để mời du khách.

Nếu như chị Diễm đảm nhận phần nấu nướng thì anh Dương phụ trách tiếp đãi và chuẩn bị phương tiện cho khách trải nghiệm. Nắm bắt được nhu cầu của khách, anh Dương còn chuẩn bị cả loa kẹo kéo để khách đi sâu vào rừng vui chơi ca hát mà không làm phiền người dân xung quanh. Do đó, ngày càng có nhiều người từ những nơi rất xa như tận TP. HCM cũng tìm đến nơi đây. Đến năm 2020 lượng khách ghé thăm nông trại của anh Dương đã đạt hơn 400 lượt khách/tháng và tiếp tục tăng lên.

Vợ chồng anh Dương luôn cố gắng suy nghĩ những sản phẩm du lịch mới để thu hút khách.

Tập trung phát triển kinh tế nhưng anh Dương vẫn rất ý thức và chú trọng đến việc bảo vệ rừng phòng hộ. “Do nông trại nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên việc giữ gìn rừng là nhiệm vụ bắt buộc. Những chỗ ít cây thỉnh thoảng tôi phải trồng lại để đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng theo quy định. Ngoài ra, tôi cũng đang thử nghiệm một số cách xử lý nước sinh học như trồng cỏ trên tấm mút xốp được thả trôi để lọc tạp chất trong nước hay nuôi tảo để hấp thu các chất thải độc hại. Điều đó giúp cho tôm sinh trưởng khỏe mạnh và đạt năng suất cao", anh nói.

Bên cạnh đó, hai vợ chồng anh Dương cũng thường xuyên tổ chức những buổi chia sẻ về khởi nghiệp nông nghiệp cho người nông dân trong vùng để hình thành một chuỗi du lịch liên kết vùng, cùng nhau phát triển.

Anh cũng cho biết nhờ thu nhập ổn định từ mô hình kinh doanh trên đã giúp anh vực dậy kế hoạch phát triển lâu dài hơn. Từ kinh nghiệm bản thân, anh Dương cho rằng muốn "bỏ phố về quê" thành công trước tiên các bạn trẻ nên phát triển kỹ năng kinh doanh để có thể tự xoay sở lúc ban đầu khi nguồn vốn trong tay hạn chế.

Nguồn Người Đưa Tin