Thượng Hải - thành phố nhiều quán cà phê nhất thế giới
Sự bùng nổ về quán cà phê đang diễn ra khắp Trung Quốc, nhất là thành phố Thượng Hải - nơi văn hóa uống trà đã thống trị từ lâu.
Theo Nikkei Asia, một cuộc khảo sát vào năm 2021 đã chỉ ra rằng Thượng Hải là thành phố có nhiều cửa hàng cà phê nhất thế giới với 6.913 cửa hàng, vượt qua cả Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh).
Tuy nhiên, có một sự thật là các chuỗi cửa hàng cà phê trên thế giới mới chỉ bắt đầu tấn công thị trường này trong một vài năm gần đây. Năm 2017, Starbucks khai trương Starbucks Reserve Roastery - cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới tại Thượng Hải. Còn Blue Bottle Coffee chỉ mới xây dựng chi nhánh đầu tiên tại đại lục vào đầu năm nay.
Theo một báo cáo năm 2021 của Deloitte, một người Trung Quốc trung bình chỉ uống 9 ly cà phê mỗi năm, kém hơn hẳn độ "cuồng" cà phê của người Hàn Quốc (367 ly/năm) và người Mỹ (329 ly/năm).
Mặc dù người Trung Quốc chuộng uống trà, thị trường cà phê của nước này vẫn dự kiến tăng trưởng hơn nữa và có thể chạm mốc 180,6 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào năm 2023.
Nguyên nhân là nhiều người trẻ Trung Quốc muốn xây dựng sự nghiệp của riêng mình bằng cách mở một quán cà phê.
Starbucks Reserve Roastery (Thượng Hải) - cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới. Ảnh: CNBC.
Mong muốn làm chủ
Anh Song Weizhe (29 tuổi), là một người trẻ tại Trung Quốc có giấc mơ làm chủ sự nghiệp kinh doanh như vậy.
Anh mở một cửa hàng tên Post Cafe ở Thượng Hải vào năm 2017, với ý tưởng thiết kế quán cà phê như một bưu điện thu nhỏ. Trước khi Song thuê lại mặt bằng, đây từng là một sạp báo với diện tích vỏn vẹn 1 m2.
Theo như chia sẻ, anh từng làm trong mảng thiết kế nội thất nhưng không có hứng thú với nó. Sau khi nghỉ việc, Song làm thêm tại một cửa hàng bánh ngọt và bị cuốn hút bởi hương vị cà phê ngay từ lần đầu thưởng thức.
Chính trải nghiệm này đã khiến anh quyết tâm mở một quán cà phê của riêng mình. Vì chỉ có 30.000 nhân dân tệ (4.300 USD) để khởi nghiệp, Song quyết định mở một quán cà phê nhỏ như trên.
Ngay từ khi khai trương, Post Cafe đã nhận được sự chú ý của nhiều người vì được ghi nhận là "quán cà phê nhỏ nhất thế giới". Cửa hàng này nổi tiếng đến mức mọi người sẵn sàng xếp hàng dài bên ngoài để chờ mua. "Thậm chí, có một chuỗi cửa hàng cà phê lâu đời ở Thượng Hải còn ngỏ lời mua lại cửa hàng của tôi", anh chia sẻ.
Hiện tại, Song đang tạm ngừng kinh doanh Post Cafe vì hết hạn thuê mặt bằng và cũng chuẩn bị mở một cửa hàng mới. Người thanh niên này chia sẻ rằng mình có ước mơ sở hữu 3 cửa hàng cùng với một xe cà phê lưu động.
Song Weizhe - chủ sở hữu Post Cafe. Ảnh: Noriyuki Doi.
Một hình mẫu thành công khác là Han Yulong - nhà sáng lập chuỗi cà phê khởi nghiệp Manner Coffee.
Han bắt đầu sự nghiệp của mình với quán cà phê chỉ vỏn vẹn 2 m2, nằm trong một con hẻm sau khu mua sắm ở Thượng Hải, sau đó thành công mở rộng kinh doanh ra khắp cả nước.
Năm 2021, Manner Coffee nhận được sự đầu tư từ Meituan - công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc và cả ByteDance - cha đẻ của Tiktok và Douyin.
Chuỗi cà phê này đã trở thành một "kỳ lân" trong giới khởi nghiệp và là đại diện của ngành công nghiệp kinh doanh cà phê ở Trung Quốc hiện tại.
Giấc mơ đi kèm với thách thức
Tuy nhiên, thành công nào cũng đối diện với vô vàn thách thức.
Theo Nikkei, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc trong tháng 6 đã chạm mốc là 19,3% - mức kỷ lục từ trước tới nay. Rất nhiều sinh viên mới ra trường vô cùng chật vật mà vẫn không thể tìm được công việc như mong đợi.
Đối với những người trẻ không có bằng cấp hay kỹ năng thì tình hình còn càng tồi tệ hơn vì họ khó có thể kiếm được một việc làm với mức lương ổn, trong khi giá nhà đất vẫn tăng lên từng ngày. Khoảng cách thu nhập tăng cao khiến nhiều người trong số họ bất lực.
Chính vì vậy, những người trẻ này bắt đầu nghĩ rằng mở một quán cà phê là đường tắt để thành công, đặc biệt là họ có thể bắt đầu mà không cần quá nhiều vốn.
Han Yulong và Manner Coffee đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ muốn kinh doanh quán cà phê. Ảnh: Noriyuki Doi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được mong muốn của mình. Càng nhiều quán cà phê mở ra thì càng nhiều quán phải đóng cửa vì kinh doanh không có lãi, không thể cạnh tranh.
Thậm chí, có cả những chuỗi cửa hàng đã chạm tới thành công thì lại mắc sai lầm nghiêm trọng. Luckin Coffee - chuỗi cửa hàng cà phê thành công nhất tại Trung Quốc - đã bị xóa khỏi Nasdaq vào năm 2020 do gian lận kế toán. Công ty này đã mắc phải sai lầm vì quá vội vàng trong việc mở rộng để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Trong cuộc chiến khởi nghiệp này, chỉ có một số ít người thành công và vô vàn người thua cuộc.
Sự bùng nổ quán cà phê ở Trung Quốc dường như đang phản ánh hình ảnh của chính quốc gia này - một đất nước không ngừng phát triển trong sự hỗn loạn và rối ren.
Nguồn: zingnews.vn