Tuyển sinh khối ngành sức khỏe: Chất lượng đặt lên hàng đầu

Sinh viên Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Thanh Hằng.

Điểm sàn dự kiến từ 18 đến 21

Đây là năm thứ 2 Bộ GDĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe cùng với ngành đào tạo sư phạm. Cụ thể 2 khối ngành này phải đưa ra một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung cho tất cả các trường trên phạm vi toàn quốc.

Hiện điểm sàn cho khối ngành y dược đang là thông tin được nhiều người quan tâm. Dự kiến đến ngày 17/9, Bộ GDĐT sẽ ban hành quyết định điểm chuẩn đầu vào. Nhưng theo PGS.TS Phạm Trung Kiên (Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội), Hội đồng tuyển sinh Khoa Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội tính toán ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ không chênh lệch so với năm ngoái. Cụ thể, đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt khoảng 21 điểm, các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Kỹ thuật hình ảnh Y học là 18 đến 20 điểm.

PGS.TS Phạm Trung Kiên cũng lưu ý các thí sinh cần xác định được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm chuẩn đầu vào là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đã có những năm, mức điểm chênh lệch giữa ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm trúng tuyển là 6 điểm.

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Ngô Minh Xuân- Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng mặc dù có điểm sàn hầu hết các trường y dược hằng năm đều lấy điểm rất cao, cách xa điểm sàn. Cụ thể, với phổ điểm năm nay của tổ hợp ba môn toán, hóa và sinh tăng hơn hẳn so với năm 2019. Do đó, dự báo điểm chuẩn của các trường khối ngành y dược năm nay sẽ tăng hơn. Riêng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Ngọc Thạch có thể từ 26 điểm trở lên, nhất là ba ngành răng - hàm - mặt, y khoa và dược nên ông Xuân đưa ra lời khuyên, những thí sinh có tổng điểm thi dưới 23 điểm không nên đăng ký vào những trường đào tạo y dược tốp đầu.

Khan hiếm nhân lực ngành sức khỏe

Nhìn lại năm 2019, điểm sàn mà Bộ GDĐT quy định không hề cao nếu so với điểm trúng tuyển vào các trường y. Song so sánh với các “sàn” của các ngành khác thì sàn của ngành y dược đã có thể khiến những người quan tâm tới đào tạo y dược yên tâm về chất lượng đầu vào khối ngành này.

Việc Bộ GDĐT siết đào tạo khối ngành này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi chất lượng lấy số lượng nhưng không có nghĩa là “cào bằng” ở tất cả các chuyên ngành. Đơn cử như mùa tuyển sinh 2019, Bộ không quy định chung một mức điểm sàn mà chia làm ba mức: cao nhất là nhóm y khoa, răng - hàm - mặt với 21 điểm; y học cổ truyền, dược 20 điểm; nhóm còn lại gồm các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng đồng mức 18 điểm.

Nhìn chung Bộ GDĐT chỉ quy định mức điểm sàn chung cho khối đào tạo có cấp chứng chỉ hành nghề. Còn các ngành khác như hóa dược, quản lý bệnh viện, y sinh học... không quy định.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh lưu ý các thí sinh đang có dự định điều chỉnh nguyện vọng cần hết sức cân nhắc năng lực, điểm số cũng như sở thích và nhu cầu của thị trường lao động. Bởi khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn cầu đã cho thấy những đổi thay mạnh mẽ về quan điểm cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành y tế sức khỏe.

Cụ thể, các ngành y học dự phòng, y tế công cộng, xét nghiệm… cần được lưu ý hơn trong đào tạo. Theo tính toán, hiện nay lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ. Trong đó, nhiều người học không lựa chọn ngành y học dự phòng mà lựa chọn ngành bác sĩ đa khoa, dược sĩ. Thậm chí ngay trong bác sĩ đa khoa cũng chỉ chọn một số chuyên ngành mà người học cảm thấy sau này có thu nhập cao hơn như sản khoa, nhãn khoa, tai mũi họng…

Những chuyên khoa như lao, truyền nhiễm rất ít người học. Khi dịch bệnh xảy ra, có thể thấy ngành y tế công cộng, y học dự phòng không kém phần quan trọng.

Tại tọa đàm trực tuyến “Nhân lực ngành chăm sóc giai đoạn 2020-2025: Rộng mở cơ hội việc làm trong và ngoài nước” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, tình trạng thiếu nhân lực được đào tạo, thiếu nhân viên chăm sóc người cao tuổi đang tồn tại và có khả năng sẽ cấp thiết hơn trong tương lai. Nhu cầu này không chỉ với nước ngoài mà còn ngay cả trong nước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng viên, chăm sóc viên, bởi vì nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước sẽ thiếu khoảng hơn 50 nghìn người.

Các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cần có phương án chuẩn bị về chương trình đào tạo chuẩn hóa và đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ thì sẽ không kịp là những gì được khuyến cáo.

Đây cũng là những lưu ý đối với người học cần lựa chọn cho mình những ngành nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của thị trường lao động trong những năm tới.

Thống kê năm 2018, tỷ lệ bác sĩ tính trên vạn dân của Việt Nam là 8,6, ít hơn 4-9 lần so với các nước phát triển. Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng đang xảy ra nghiêm trọng với tỷ lệ 1,8 điều dưỡng/bác sĩ và đa số có trình độ trung học (66,9%), trong khi đó yêu cầu tối thiểu phải là tỷ lệ 3-3,5 điều dưỡng/bác sĩ.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết