Tuyển sinh đại học năm 2021: Nhiều điểm mới

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2020

Tổ chức thi ĐGNL

Năm 2020, cả nước chỉ có ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức thi ĐGNL để xét tuyển; năm 2021 có thêm nhiều trường lên kế hoạch tổ chức kỳ thi này.

Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2021, ĐH này dự kiến tổ chức kỳ thi ĐGNL và được giao cho Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức với quy mô khoảng 10.000 thí sinh. Kỳ thi được tổ chức 4-5 đợt (từ tháng 5 đến tháng 10), mỗi đợt khoảng 1.000-2.000 thí sinh. Trước đó, năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước tổ chức kỳ thi riêng với bài thi ĐGNL để xét tuyển đầu vào. Nhưng đến năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội quyết định dừng tổ chức kỳ thi này và chỉ xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi THPT quốc gia.

Theo Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác và ủng hộ sự tham gia của các đơn vị khác trong việc sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, nhằm tiết kiệm nguồn lực. Kỳ thi ĐGNL năm 2021 cũng như những kỳ thi của các năm 2015 và 2017, thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay, sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần, kể từ ngày dự thi.

Trong khi đó, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM cũng vừa họp và quyết định năm 2021 tiếp tục tổ chức kỳ thi ĐGNL. Theo đó, kỳ thi này sẽ được tổ chức 2 đợt: đợt 1 dự kiến vào ngày 28-3-2021 và đợt 2 diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến vào ngày 4-7-2021). TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Kỳ thi ĐGNL năm 2021 vẫn giữ ổn định như các năm trước về cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Những điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này. Các cụm thi đã ổn định những năm trước sẽ tiếp tục duy trì trong kỳ thi năm 2021 (như TPHCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng). Đặc biệt sẽ dành trên 40% chỉ tiêu để xét tuyển từ kỳ thi ĐGNL và dự kiến mở thêm cụm thi tại Tây Nguyên”.

Ngoài 2 ĐH Quốc gia, năm 2021 cũng có nhiều trường tổ chức thêm kỳ thi riêng để xét tuyển. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung môn thi cho kỳ thi riêng để thí sinh có thêm lựa chọn. Dự kiến, ngoài đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn toán có phần tự luận, trường sẽ thêm tổ hợp môn khoa học tự nhiên để thí sinh có sự lựa chọn. Thí sinh có thể lựa chọn thêm môn thi để theo hướng vào các ngành kỹ thuật khác. Đây là hình thức cải tiến kỳ thi riêng của trường.

Trường ĐH Việt Đức sẽ tuyển 460 chỉ tiêu cho 7 ngành, dự kiến dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh tham gia kỳ ĐGNL do trường tổ chức vào tháng 5-2021.

Nhiều ngành học mới

TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, TPHCM đã và đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực AI để thúc đẩy xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại TP Thủ Đức. Đón đầu xu thế này và đáp ứng nhu cầu nhân lực, dự kiến từ năm 2021, trường sẽ mở thêm nhiều ngành mới như Robot và hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý đô thị thông minh và bền vững, Kỹ thuật hóa phân tích, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên… Năm 2021, nhà trường dự kiến tuyển hơn 8.000 chỉ tiêu cho cả cơ sở chính ở TPHCM và phân hiệu tại tỉnh Quảng Ngãi.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM dự kiến mở các ngành mới, gồm: Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ họa. Cũng theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021, trường thực hiện xét tuyển đồng thời 4 phương thức tuyển sinh, với 3.495 chỉ tiêu cho 30 ngành đào tạo.

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho biết, năm 2021, trường dự kiến sẽ có thêm 7 ngành mới. Đặc biệt, trong đó có 5 ngành mới chính thức được mở, gồm: Robot và trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân lực, Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng. Hai ngành còn lại là Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học đang chờ quyết định của Bộ GD-ĐT.

Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, trường đang làm thủ tục xin phép mở thêm 6 ngành mới: Kinh doanh thời trang và dệt may, Marketing, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Quản lý năng lượng, Kỹ thuật hóa phân tích, Quản trị kinh doanh thực phẩm.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH lớn khác tại TPHCM sẽ tăng chỉ tiêu cho các ngành đang cần nhiều nhân lực, như Công nghệ, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Robot và trí tuệ nhân tạo, Hệ thống nhúng và IoT, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng...


Nguồn: Báo GDTĐ