Tổ chức định kỳ các ngày hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo đó, những ngày hội định kỳ tổ chức 3 năm/lần là các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo vùng, miền. Cụ thể: Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền Trung; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên; Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Nam Bộ.

Lễ hội Lồng Tồng của người Cao Lan

Những ngày hội định kỳ tổ chức 5 năm/lần gồm: Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm; Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ; Ngày hội văn hóa dân tộc Mường; Ngày hội văn hóa dân tộc Thái; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Ngày hội văn hóa dân tộc Dao; Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay; Ngày hội văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều); Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh vùng biên giới (gồm Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào; Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Campuchia); Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa nghệ thuật tiêu biểu (gồm Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày - Nùng - Thái; liên hoan trình diễn trang phục (truyền thống, cách tân) của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Ngày hội trình diễn cây Nêu; liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam).

Đề án đưa ra khung nội dung các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội, quy trình tổ chức, khung quy chế tổ chức, cơ cấu giải thưởng và chấm giải; các giải pháp để thực hiện và kinh phí thực hiện.

Đề án nhằm giúp các địa phương quán triệt, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình các hoạt động đảm bảo quy mô, tần suất phù hợp, tránh tràn lan phô trương, lãng phí, đồng thời khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá khách quan về thực trạng hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể dục thể thao quần chúng và đời sống văn hóa cơ sở trong từng giai đoạn, từ đó định hướng và xác định giải pháp khắc phục những yếu kém, thúc đẩy văn hóa nghệ thuật quần chúng phù hợp với đời sống xã hội của từng vùng, miền trên cả nước.

Đề án cũng là cơ sở để Bộ VHTTDL chỉ đạo, tổ chức những ngày hội mang tính thiết thực gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước diễn ra hàng năm trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2030; giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc…

Thông qua Ngày hội, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Qua đó, phát hiện được các tài năng kế cận để đào tạo, bồi dưỡng, khích lệ và khơi dậy sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đồng thời để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật các tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia là dịp để các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng hai nước được tham gia giao lưu văn hóa, tạo thêm sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần đưa quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn diện vùng biên giới, nhằm ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.


Nguồn: Báo