Thế giới ghi nhận hơn 113 triệu ca nhiễm COVID-19

Học sinh được kiểm tra thân nhiệt khi đến trường để đề phòng dịch COVID-19 ở Campuchia (Ảnh: The Phnom Penh Post)

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 407.352 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 62.823 ca và 2.107 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 28.962.147 ca và 517.140 ca.

Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 với 11.046.432 ca, đứng thứ ba với về số ca tử vong với 156.742 ca. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 10.324.463 ca, đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 249.957 ca. Riêng trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 63.842 ca nhiễm mới.

Châu Âu trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (33.550.271 ca). Với 33.206.439 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 24.714.464 ca và Nam Mỹ với 17.647.140 ca. Châu Phi (3.882.497 ca) và châu Đại Dương (50.953 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Nga là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực châu Âu, với 4.200.902 ca, trong đó 84.430 ca đã tử vong. Tiếp đến là Anh với 4.144.577 ca mắc, trong đó 121.747 ca tử vong. Số ca tử vong ở Anh hiện ở mức cao nhất châu Âu. Số ca mắc tại Pháp hiện là 3.661.410 ca, trong đó 85.321 ca tử vong.

Tại khu vực Bắc Mỹ, sau Mỹ (dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc) là Mexico với 2.052.266 ca mắc, 181.809 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 854.181 ca mắc, trong đó 21.789 ca tử vong. Panama ghi nhận 337.805 ca mắc, trong đó 322.238 ca đã bình phục và 5.772 ca tử vong.

Tại khu vực Nam Mỹ, sau Brazil (dẫn đầu khu vực và đứng thứ ba thế giới về số ca mắc) là Colombia với 2.237.542 ca, trong đó 59.260 ca đã tử vong. Tiếp đến là Argentina với 2.080.824 ca mắc, trong đó 51.524 ca tử vong.

Nam Phi vẫn dẫn đầu châu Phi về số ca mắc COVID-19 với 1.507.448 ca mắc, trong đó 49.523 ca đã tử vong. Tiếp đến là Morocco và Tunisia với lần lượt là 482.128 và 230.443 ca nhiễm, 8.592 và 7.869 ca tử vong.

Châu Đại Dương chỉ ghi nhận 33 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm trong khu vực lên 50.953 ca. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 28.939 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Tại châu Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận số ca mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tiếp tục tăng, với 40 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 35 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam, 1 người Campuchia và 2 ca được cho là thuộc diện nhập cảnh (đều là người Trung Quốc). Tính đến sáng 24/2, Campuchia đã có tổng cộng 633 ca mắc COVID-19, trong đó 476 người bình phục và không có ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Campuchia đang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 quy mô lớn, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất có thể.

Tại Lào, chính quyền địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và giám sát người nhập cảnh để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Người nhập cảnh vào Lào, đặc biệt là công nhân quay trở về nước sẽ phải cách ly tại các trung tâm 14 ngày và phải đo thân nhiệt khi nhập cảnh. Cho đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45, chưa có trường hợp nào tử vong.

Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết công dân nước này và người nước ngoài sẽ buộc phải cách ly 5 ngày tại các địa điểm do Chính phủ chỉ định sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, mọi công dân khi nhập cảnh vào Indonesia đều phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong khoảng thời gian tối đa là 3 ngày trước khi khởi hành. Indonesia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 1.306.141 ca, trong đó 35.254 ca đã tử vong. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 7.533 ca mắc mới.

Trong khi đó, kể từ ngày 1/3, Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi có bệnh nền. Việc tiêm chủng sẽ là miễn phí tại 10.000 bệnh viện công và phải trả phí tại 20.000 cơ sở y tế tư nhân.

Tại Malaysia, nước này đã bắt đầu triển khai Chương trình tiên chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 với sự kiện Thủ tướng Muhyiddin Yassin là người được nhận mũi tiêm đầu tiên. Cùng với Thủ tướng Muhiyddin, được tiêm trong ngày đầu tiên còn có Tổng giám đốc Cơ quan Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah và 4 quan chức cấp cao của Bộ Y tế. Chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022.

Tại Thái Lan, lô vaccine đầu tiên gồm 200.000 liều do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất đã tới nước này và đã được bàn giao trong một buổi lễ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi với sự tham dự của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng các quan chức cao cấp của Thái Lan./.

Nguồn Đảng Cộng Sản VN