Phía sau việc tăng trưởng của Trung Quốc tụt lại so với châu Á
Hoạt động kinh doanh gián đoạn do Covid-19 và thị trường bất động sản bớt nóng phần nào là nguyên nhân khiến dự báo tăng trưởng Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng.
Người dân lựa trái cây tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhiều tổ chức tài chính khác, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với kỳ vọng từ chính phủ.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay đạt 5,5%, vốn là mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 thập niên qua. Song WB đã đưa ra những báo cáo triển vọng thấp hơn, chỉ 2,8%, Guardian cho hay.
Điều này khiến tăng trưởng kinh tế trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói chung cùng giảm theo dự báo của WB (từ 5% xuống còn 3,2%), vì Trung Quốc chiếm hơn 86% sản lượng kinh tế khu vực.
Ngược lại, nếu loại trừ Trung Quốc, kỳ vọng tăng trưởng cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên 5,3% vào năm nay, gấp đôi so với 2,6% vào năm 2021.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1990, tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn so với trung bình ở châu Á, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động tác động đến các hoạt động kinh doanh.
Trung Quốc, vốn dẫn đầu về sự phục hồi sau đại dịch và vượt qua khó khăn từ biến thể Delta, đang phải đánh đổi tổn thất kinh tế với các chính sách ngăn ngừa sự lây lan do biến chủng Omicron, ông Aaditya Mattoo, trưởng bộ phận kinh tế tại Ngân hàng Thế giới khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nói với Financial Times.
Tăng trưởng GDP qua các năm của Trung Quốc (màu đỏ) và khu vực châu Á trừ Trung Quốc (màu xanh). Đồ họa: Financial Times.
Lần đầu tụt lại sau ba thập niên
Ngân hàng Thế giới cho biết giá hàng hóa tăng và phục hồi sau đại dịch đã thúc đẩy tăng trưởng tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, chính sách Zero Covid-19 tại Trung Quốc phần nào khiến tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tại nước này gián đoạn.
Theo South China Morning Post, WB chỉ là tổ chức gần đây nhất có những dự báo không khả quan với tăng trưởng tại Trung Quốc.
Nhiều tổ chức tài chính khác, như Goldman Sachs, Nomura, hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có những báo cáo giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc được thực hiện dựa trên những đánh giá rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách Zero Covid-19 sang đến năm 2023.
Nhiều nhà kinh tế và chuyên gia phân tích dự đoán Bắc Kinh sẽ sớm tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh các biện pháp nới lỏng nhằm kích thích tiêu dùng và giảm tình trạng suy thoái của thị trường nhà ở.
Dù vậy, ông Mattoo nói rằng Trung Quốc tuy có nguồn lực mạnh để kích thích kinh tế, Bắc Kinh sẽ muốn tính toán về phân bổ tài khóa năm tới dựa trên giới hạn được đưa ra chống dịch theo cách Zero Covid-19.
Hoạt động xuất khẩu than tại Indonesia - quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Để giảm nguy cơ tình trạng hỗn loạn của lĩnh vực bất động sản lan rộng, WB cho biết Bắc Kinh cần hỗ trợ thanh khoản sâu rộng hơn cho các nhà phát triển gặp khó khăn và đảm bảo tài chính để hoàn thành dự án. Tuy vậy, trong dài hạn, cải cách tài khóa là điều cần thiết để mang lại doanh thu cho chính quyền địa phương, bên cạnh doanh thu từ việc bán bất động sản.
"Đối mặt với việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các quốc gia cần giải quyết những vướng mắc về chính sách trong nước, vốn là trở ngại cho phát triển dài hạn", Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro tuyên bố.
Châu Á - Thái Bình Dương phục hồi
Ngược lại, các nền kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh và có mức lạm phát thấp trong năm 2022.
Tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia, trợ cấp nhiên liệu từ chính phủ đã góp phần giữ lạm phát ở mức thấp theo tiêu chuẩn toàn cầu. Tiêu dùng nội địa tăng, trong khi các lệnh hạn chế chống Covid-19 được dỡ bỏ.
Đồng thời, giá hàng hóa tăng do khủng hoảng năng lượng toàn cầu một phần cũng đã thúc đẩy các nền kinh tế khu vực, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Tại Indonesia, xuất khẩu than của nước này đã đạt kỷ lục 27,9 tỷ USD hồi tháng 8.
Dù có dự báo tăng trưởng lạc quan, WB cảnh báo một số biện pháp như trợ cấp lương thực và nhiên liệu có thể trở thành lực cản với tăng trưởng vào cuối năm nay. Theo báo cáo, việc kiểm soát giá cả thị trường đôi khi sẽ khiến nợ công tăng, trong khi chỉ tầng lớp giàu được hưởng lợi.
"Tôi cho rằng đây là điều cần được theo dõi, thay vì lo lắng nghiêm trọng", ông Mattoo nói.
Nguồn: zingnews.vn