Ngân hàng cạnh tranh giảm lãi suất cho vay
Cùng với việc công khai thông tin lãi vay bình quân, các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi hơn.
Hiện các ngân hàng đang phải công khai lãi suất cho vay bình quân theo chỉ đạo của Chính phủ. Và những ngày gần đây, cùng với việc công khai thông tin lãi vay bình quân, các ngân hàng cũng đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi hơn.
5,79% là mức lãi vay mà ngân hàng SHB mời chào trong gói ưu đãi mới đây cho khách hàng cá nhân. Các doanh nghiệp cũng có mức lãi tương tự, tùy vào từng nhu cầu vay, cho cả các khoản ngắn hạn và trung dài hạn.
Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp SHB cho biết: "Gói 10.000 tỷ của SHB có mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,79%/năm, giảm so với trước đây là 0,6%/năm. Gói lãi suất này áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất với kỳ hạn vay dưới 6 tháng".
Ngân hàng BIDV cũng dành khoảng 630.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi. Với lợi thế về quy mô, lãi suất đã được điều chỉnh giảm sâu xuống dưới 5%/năm, tức là chỉ tương đương mức huy động của một số ngân hàng nhỏ hơn.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Ban Chính sách Sản phẩm Bán buôn, Ngân hàng BIDV chia sẻ: "Có mức giảm so với lãi suất cho vay thông thường, đối với ngắn hạn là 1%, đối với khách hàng cho vay trung dài hạn thì có thể lên đến 1,5% hoặc cao hơn. Với mức lãi suất cho vay trong gói thì đối với khách hàng cá nhân, thấp nhất là 4,3% và đối với khách hàng doanh nghiệp sẽ chỉ từ 4,8%/năm".
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, nhiều ngân hàng còn tăng cạnh tranh bằng các tiện ích đi kèm. Như ngân hàng Vietcombank giảm luôn 0,5% lãi suất cho các khách hàng đang vay vốn ở một số lĩnh vực, mà không cần phải đi vay khoản mới mới được hỗ trợ. Đồng thời, đa dạng thêm các hình thức thế chấp, tín chấp không cần tài sản đảm bảo để thu hút người vay.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nhận định: "Ngoài việc giảm lãi suất để hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, chúng tôi đã đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng trong quá trình có thể triển khai áp dụng hồ sơ online để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng của ngân hàng".
Hiện có khoảng 13,8 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Vì thế, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, áp lực cạnh tranh của các ngân hàng càng nhiều hơn.
Nguồn: VTV