Ông Tập sẽ rạch ròi thương chiến với vấn đề Hong Kong?

Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua với sự thống nhất cao. Và với các phát ngôn cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua thì phần lớn ý kiến thiên về khả năng ông Trump sẽ ký ban hành luật.

Tuy nhiên, sau quyết định của lưỡng viện Quốc hội, ông Trump bất ngờ tuyên bố ông có thể sẽ phủ quyết dự luật để mở đường cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc (TQ).

Với câu nói “chúng ta sát cánh với Hong Kong… nhưng chúng ta cũng đang trong tiến trình thương thảo một thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử”, có thể thấy ông Trump đã ưu tiên giải quyết cuộc thương chiến với chính quyền Bắc Kinh hơn vấn đề Hong Kong.

Chờ một thỏa thuận

Vậy dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong ảnh hưởng thế nào đến cuộc đàm phán giải quyết thương chiến Mỹ-Trung?

Thời điểm này các nhà đàm phán cả hai bên vẫn chưa thống nhất được ngày giờ và địa điểm để Tổng thống Trump và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gặp nhau để ký một thỏa thuận tạm thời. Kế hoạch ban đầu là hai ông sẽ gặp nhau và ký tại hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra ở Chile giữa tháng 11, nhưng kế hoạch bất thành sau khi Chile hủy sự kiện này vì tình hình biểu tình, bất ổn chính trị tại nước này.

Bộ Thương mại TQ nói các nhà đàm phán hai bên vẫn giữ liên lạc. Ngày 21-11, báo Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin nói TQ đã mời các nhà đàm phán Mỹ đến Bắc Kinh tiếp tục thương lượng.

Tuy nhiên, SCMP dẫn nhận xét của một số nguồn tin và một số nhà quan sát ngoại giao TQ ngày 21-11 rằng nước này đang theo dõi chặt mọi động thái tiếp theo từ phía Mỹ. Và dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong nếu trở thành luật có thể là một trở ngại nữa với cuộc đàm phán thương mại giữa TQ và Mỹ.

Phe ủng hộ dân chủ Hong Kong ăn mừng chiến thắng. Ảnh: SCMP

Ngay sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị đã chỉ trích rằng đây là sự can thiệp vào chuyện nội bộ của TQ và làm lay chuyển niềm tin giữa hai nước.

Ngày 20-11, TQ triệu tập ông William Klein, tham tán công sứ về các vấn đề chính trị của Đại sứ quán Mỹ tại nước này đến để phàn nàn về các động thái của Mỹ với dự luật. Trong khi đó ông Hanscom Smith - Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong cũng bị triệu tập đến gặp một ủy viên cấp cao Bộ Ngoại giao TQ.

Phát ngôn của ông Trump gắn chuyện Hong Kong với thương mại và tạo cớ cho ông Tập thể hiện sự không hài lòng của mình với dự luật của Mỹ mà không cần phải có hành động cứng rắn nào có thể đẩy cuộc thương chiến vào bế tắc.

Ông JEFF MOON, nhà đàm phán thương mại Mỹ thời chính phủ Obama

Liệu đàm phán có bị đẩy vào ngõ cụt?

Ông Trump nói ông không muốn cản trở tiến trình đàm phán thương mại. Vậy liệu có thật TQ sẽ làm khó, thậm chí làm l ơ đàm phán một khi ông Trump ký ban hành Luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong như ông lo ngại?

Bà Charlene Barshefsky, cựu đại diện thương mại Mỹ, nói bà không nghĩ vấn đề Hong Kong có liên quan đến cuộc thương chiến giữa Mỹ với TQ.

Một số chuyên gia nhận định ông Tập sẽ rạch ròi hai vấn đề đàm phán thương mại và biểu tình Hong Kong. Theo ông Jeff Moon - từng là một nhà đàm phán thương mại Mỹ thời chính phủ tiền nhiệm Barack Obama, nhiều khả năng TQ sẽ phản ứng mạnh nếu Mỹ thông qua và ban hành luật, tuy nhiên phản ứng này không hẳn sẽ đẩy cuộc đàm phán vào ngõ cụt. Năm ngoái TQ từng có phản ứng không đồng ý cho một số tàu hải quân Mỹ đến thăm Hong Kong nhưng rồi hai nước cũng xúc tiến đàm phán thương mại.

Kinh tế TQ tăng trưởng 6% trong quý III năm nay, mức thấp nhất trong 27 năm nay. Cuộc chiến thuế quan với Mỹ đang gây áp lực lớn lên kinh tế TQ và các quan chức nước này đang rất nóng lòng ký một thỏa thuận đình chiến thuế quan với Mỹ. Theo nhà nghiên cứu về TQ Aaron Friedberg tại ĐH Princeton (Mỹ) và từng là cố vấn của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, nếu ông Tập đánh giá cao một thỏa thuận thương mại với Mỹ như một biện pháp cứu chữa vết thương kinh tế của mình, ông Tập sẽ ký thỏa thuận mà không chấp đến các điều khó chịu khác trong quan hệ với Mỹ.

Ông Friedberg cho rằng “gắn chuyện Hong Kong với chuyện đàm phán thương mại phần lớn là sự tưởng tượng của ông Trump” chứ TQ thì chưa hẳn. Giờ ông Trump đã mở đường thì TQ sẽ “vui mừng” nhấn đậm thêm chuyện này. Ông Friedberg cũng nghi ngờ khả năng Mỹ sẽ có được một “thỏa thuận tuyệt vời” dù có dễ dàng với TQ về Hong Kong.

Phe ủng hộ dân chủ thắng lớn trong bầu cử Hong Kong

Theo SCMP, phe ủng hộ dân chủ thắng thế đa số ở 17/18 hội đồng khu với 347 ghế. Phe ủng hộ chính phủ đại lục thắng khiêm tốn có 60 ghế. Bộ phận ứng viên tự do thắng 45 ghế.

Một phần lớn ứng viên phe ủng hộ dân chủ là những người trẻ, là những gương mặt mới. Trong số những người thắng cử có nhiều người trong số này tham gia tích cực trong đợt biểu tình ở Hong Kong sáu tháng qua. Trong số các ứng viên chiến thắng có ít nhất năm người từng tham gia hoạt động trong phong trào Dù vàng năm 2014.

Từ kết quả này có thể nhận diện rõ hơn cơn sóng thần bất mãn của người dân Hong Kong với chính quyền hiện tại. Trong khi phe thân chính phủ đại lục thua thảm thì phe ủng hộ dân chủ thắng ngoạn mục ở nhiều khu dân cư cả giàu lẫn nghèo, ở cả các khu vực thường xảy ra biểu tình và cả các khu vực ít xảy ra biểu tình, ở cả các khu vực nội thành lẫn ngoại ô.

Theo SCMP, với thất bại này, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.Dù các hội đồng khu chỉ phụ trách các vấn đề địa phương và không có tiếng nói trực tiếp với các chương trình của trưởng đặc khu, tuy nhiên theo SCMP, cuộc bầu cử này là phép thử với sự ủng hộ của người dân với chính quyền Hong Kong và cả với phong trào biểu tình. Và kết quả này cũng sẽ giúp phe thân dân chủ tăng đáng kể số ghế trong ủy ban bầu cử, cơ quan chọn đặc khu hành chính Hong Kong.


Nguồn: Báo PLO