Những họa sĩ giàu lên sau một đêm ở Hàn Quốc

Tác giả Yaongi tậu siêu xe McLaren 570S nhờ sự nổi tiếng của 'True Beauty'. Họa sĩ Kian84 mua tòa nhà trị giá 4,6 tỷ won ở phía nam Seoul sau thành công của webtoon 'Fashion King'.

Lee Mal Nyun, người sáng tác webtoon Lee Mal Nyun series (2009-2012), cho biết chỉ riêng số tiền anh kiếm qua mạng xã hội đã tương đương với lương của một giám đốc điều hành tập đoàn, theo Korea Joongang Daily.

Nhờ sự thành công của Along with the Gods (2010-2012), bộ webtoon được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, họa sĩ Joo Ho Min đã mua nhà cho mình và bố mẹ.

Mặc dù không thể xác định chính xác thu nhập của các họa sĩ truyện tranh, những ước tính gần đây cho thấy rằng nhiều webtoonist đang có thu nhập khủng và thực sự giàu lên sau một đêm nhờ các tác phẩm của mình.

Họa sĩ Yaongi đã mua chiếc xe thể thao McLaren 570S vào năm 2020.

Webtoon là từ ghép của "web" và "cartoon" (phim hoạt hình), được báo chí sử dụng lần đầu tiên vào năm 1999. Ở Hàn Quốc, webtoon là thể loại truyện tranh trực tuyến được phân phối và tiêu thụ trên Internet.

Ngày nay, các họa sĩ webtoon, còn gọi là webtoonist, xuất hiện trên chương trình truyền hình và có những kênh truyền thông xã hội của riêng họ với hàng triệu người đăng ký.

Từ năm 2020, webtoonist là một trong 10 công việc mơ ước hàng đầu của trẻ em tiểu học tại xứ kim chi. Khoảng 10 năm trước, người dân Hàn Quốc từng thắc mắc webtoon là gì, nhưng bây giờ mọi người đang muốn biết làm thế nào để trở thành webtoonist.

Thu nhập ấn tượng

Theo Naver, công ty webtoon số 1 Hàn Quốc, những họa sĩ webtoon hàng đầu kiếm được hơn 10 tỷ won/năm. Người lập web có thu nhập cao nhất, mặc dù tên của họ không được tiết lộ, đã kiếm được 12,4 tỷ won vào năm 2021.

Có 700 người sáng tạo đã ký hợp đồng với Naver vào tháng 8 năm ngoái. Trung bình, những người này kiếm được 280 triệu won/năm và ngay cả những người mới gia nhập cũng kiếm được khoảng 150 triệu won trong năm đầu tiên.

Theo cuộc khảo sát của Cơ quan Sáng tạo Nội dung Hàn Quốc (Kocca), các họa sĩ đã kiếm được gấp đôi thu nhập trung bình hàng năm ở Hàn Quốc vào năm 2021.

Yaongi là tác giả của webtoon "True Beauty", bộ truyện được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên.

Trung bình, một webtoonist kiếm được 81,2 triệu won vào năm 2021 nếu họ làm việc cả năm và 56,7 triệu won nếu họ sản xuất ít nhất một nội dung trong năm.

Trong cùng năm, thu nhập trung bình của người Hàn là 38,3 triệu won. Nếu xét về độ tuổi, hơn 80% webtoonist dưới 30 tuổi, mức thu nhập của họ là khá ấn tượng.

Tất nhiên, không dễ dàng để đạt được thu nhập khủng như vậy. Một webtoon thường có 60-70 khung hình mỗi tập và được đăng tải mỗi tuần. Các tập truyện phải đủ hấp dẫn để người đọc không bị mất hứng thú, nhưng cung cấp lượng thông tin vừa phải để khán giả liên tục tò mò về những tình tiết tiếp theo.

Để tạo ra 60-70 khung hình ảnh minh họa mỗi tuần, các webtoonist thường làm việc cả đêm, đồng thời còn phải giải quyết những bình luận thù ghét mà khán giả để lại trên các tài khoản mạng xã hội của họ.

Cuộc đua giữa các "ông lớn"

Các họa sĩ ngày càng thành công nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp webtoon nói chung.

Năm 2020, thị trường webtoon Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua con số 1 nghìn tỷ won và có hơn 7.000 người sáng tạo nội dung.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản trị và Kinh doanh KT, thị trường webtoon dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm.

Webtoon được biết đến nhiều hơn sau khi được chuyển thể thành phim truyền hình, điện ảnh. Những bộ phim nổi tiếng trên các nền tảng Netflix, Apple TV+ như Squid Game, Pachinko, Business Proposal, All of Us Are Dead đều có nguồn gốc là truyện tranh trực tuyến.

Nhiều nhà sản xuất phim thích chuyển thể webtoon và tiểu thuyết trên mạng vì dễ thành công, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc sáng tạo. Các webtoon nổi tiếng không chỉ có cốt truyện và nhân vật chỉn chu mà còn có một lượng lớn fan trung thành.

"Business Proposal" thành công cả ở bản webtoon lẫn phim truyền hình.

Truyện tranh trực tuyến cũng ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Naver Webtoon có 82 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu tính đến đầu năm nay. Kakao không tiết lộ số lượng người dùng của mình, nhưng ứng dụng webtoon tại Nhật Bản của họ, Piccoma, có khối lượng giao dịch hàng tháng vượt mức 77,6 tỷ won vào tháng 1.

Naver và Kakao, hai công ty lớn nhất trong ngành, đã mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trong những năm gần đây.

Năm 2019, Naver Webtoon trở thành ứng dụng webtoon có doanh thu số 1 tại 100 quốc gia trên thế giới. Kakao theo sát phía sau và đến năm 2020, vượt qua Naver để trở thành ứng dụng webtoon có doanh thu cao nhất năm.

Năm ngoái, hai công ty đã mua lại các nền tảng nội dung phổ biến để giành ưu thế trong cuộc đua. Naver mua 100% cổ phần của trang web tự xuất bản Wattpad với giá 653 tỷ won, trong khi Kakao Entertainment mua lại các nền tảng Tapas Media với giá 510 triệu USD và Radish với giá 440 triệu USD.

Năm nay, hai công ty đang tăng tốc tiến vào thị trường châu Âu.

Cạnh tranh khốc liệt

Nếu muốn tác phẩm của mình trở nên phổ biến, các họa sĩ thường đăng truyện trên những trang như Naver Webtoon. Trong số hàng nghìn tác phẩm, nền tảng chỉ chọn ra số ít tiềm năng, được khán giả yêu thích để đề nghị hợp tác.

Nhiều webtoon như Tower of God của SIU, True Beauty của Yaongi và All of Us Are Dead của Joo Dong Geun đã thành công theo cách này.

Các công ty webtoon cũng thường xuyên tổ chức cuộc thi. Người chiến thắng nhận được tiền thưởng cũng như cơ hội xuất bản tác phẩm của họ. Romance 101 của họa sĩ Namsoo là một ví dụ.

Các webtoonist cũng có thể tìm kiếm sự nổi tiếng nhờ mạng xã hội. Myeoneuragi của Soo Shin Ji là một trong những webtoon thành công nhờ Instagram.

Tuy nhiên, mức thu nhập hàng tỷ won mỗi năm cũng chỉ dành cho những người nổi tiếng nhất. Trên thực tế, có sự chênh lệch rất lớn giữa những họa sĩ có tên tuổi và những người sáng tạo kém nổi tiếng.

Kian84 là một trong những họa sĩ webtoon thành công, giàu có nhất tại Hàn Quốc.

Kim Dong Hoon, người từng điều hành Webtoon Creators Union, cho biết: "Có những người kiếm được hàng tỷ won mỗi năm, nhưng đó chỉ là số ít may mắn. Các webtoonist trẻ tuổi bắt đầu sự nghiệp mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những nền tảng thường phải chịu điều kiện làm việc khắc nghiệt, bất công".

Khi thị trường phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt, khoảng cách thu nhập càng được nới rộng.

Trước đây, các webtoonist có thể làm việc độc lập, tự viết cốt truyện và vẽ tranh minh họa cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ngày nay những người kém nổi thường phải làm thuê cho các nền tảng thông qua đại lý môi giới.

Một bộ truyện có thể do nhiều họa sĩ tạo nên. Nền tảng thường lấy 30% doanh thu, đại lý chiếm 30-40%. Số tiền còn lại được chia cho các họa sĩ.

Nền tảng có thể đối xử công bằng với những webtoonist nổi tiếng vì sợ mất họ vào tay đối thủ. Nhưng các nghệ sĩ trẻ thường phải chịu bất công vì phụ thuộc vào nền tảng từ khâu sáng tác cho đến tiếp thị, phân phối tác phẩm.

Nhiều họa sĩ trẻ đang lao vào cuộc đua với hy vọng trở thành Yaongi, Kian84 hoặc Lee Mal Nyun tiếp theo, nhưng thực tế khốc liệt hơn vẻ ngoài hào nhoáng của ngành.

Cũng giống như các thực tập sinh Kpop trẻ tuổi mơ ước trở nên nổi tiếng như BTS và BlackPink, webtoonist đầy tham vọng đôi khi không nhận ra rằng sự thành công chỉ đến với vài người.

 Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-hoa-si-giau-len-sau-mot-dem-o-han-quoc-post1309460.html