Những cung bậc cảm xúc khó quên khi xem kịch múa

Một cảnh trong vở Ballet "Kiều”

"Trăng treo": Tri ân những nữ thanh niên xung phong

PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh đã tái hiện thật xúc động không gian của chiến trường năm xưa trên sân khấu qua kịch múa "Trăng treo".

"Trăng treo" được mở đầu bằng hình ảnh lớp lớp thanh niên tình nguyện ra chiến trường, trong đó có nhiều người tuổi đôi mươi bỏ lại ước mơ trở thành ca sĩ, diễn viên múa... Hình ảnh rừng cây hun hút phía cuối sân khấu, những chiếc võng đã sờn, những phiến đá làm giường, những lùm cây làm nơi trú ngụ... tạo nên không gian sân khấu đơn giản nhưng khắc họa rõ nét cuộc sống kham khổ, thiếu thốn của những nữ thanh niên xung phong nơi rừng thiêng nước độc.

"Trăng treo" không theo logic phát triển từ đầu đến cuối, chỉ từ những mảng miếng mà tạo thành hình tượng người phụ nữ đẹp trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tình đồng đội vào sinh ra tử, vai kề vai sát cánh đã dìu nhau bước qua lửa đạn. Những người phụ nữ ấy vĩ đại trong sinh hoạt nhỏ bé, trong tình yêu e ấp nơi chiến trường, trong hoạt động mở đường, san lấp hố bom...

Nơi chiến trường ác liệt đâu chỉ có máu và thuốc súng, những trận sốt rét kinh hoàng đã cướp đi bao mạng người. Lịm đi trong cơn sốt rét, họ tựa vào nhau như những mảnh trăng yếu ớt, tìm nhau trong hơi ấm của tình đồng đội. Chiến tranh cũng giống như một trận cuồng phong, lạnh lùng cuốn phăng tất cả. Tuổi trẻ, hạnh phúc, mơ ước, hoài bão... bỗng chốc hóa thành hư vô. Khi cơn bão chiến tranh tràn qua, nhiều cuộc đời trở thành dang dở nhưng có lẽ khắc khoải nhất vẫn là những người phụ nữ. Họ chơi vơi trên con đường đi tìm hạnh phúc...

Chiến tranh cách mạng là đề tài không mới nhưng qua tài biên đạo của NSND Ứng Duy Thịnh, một biên đạo múa gạo cội, một đại tá từng công tác trong quân đội, cuộc sống nơi chiến trường hiện lên thật khác, không khô khan, giáo điều, không "đao to búa lớn" mà cứ âm ỉ, day dứt lòng người. Tác phẩm có nội dung nhân văn, diễn biến logic, chặt chẽ. Diễn viên múa có kỹ thuật và khả năng nhập vai tốt, khắc họa được nội tâm nhân vật, biểu cảm ngôn ngữ hình thể với những động tác mới lạ. Sân khấu thiết kế có chiều sâu, gây nhiều ấn tượng với người xem.

"Trăng treo" là lời tri ân sâu sắc của tác giả với thế hệ đi trước, đồng thời thể hiện cái nhìn thấu hiểu, sẻ chia của biên đạo với những người phụ nữ Việt Nam đi qua chiến tranh. Qua đây, chúng ta cũng nhận ra những dịch chuyển về góc nhìn, thái độ, suy tư và cảm xúc của con người thời hậu chiến.

Ballet "Kiều": Sự đồng cảm với thân phận người phụ nữ Việt Nam xưa

Khác với "Trăng treo", hình ảnh người phụ nữ trong Ballet "Kiều" của biên đạo múa Tuyết Minh là nạn nhân của xã hội phong kiến "trọng nam khinh nữ", coi trọng bạc tiền. Kiều, người con gái "hồng nhan bạc phận", hiện lên với đầy đủ sắc thái tâm lý, thể hiện rõ nét tâm hồn đa cảm, mãnh liệt và trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Kiều xuất hiện trong vở kịch múa cùng tên

Kiều xuất hiện trong vở kịch múa cùng tên đẹp từ ngoại hình đến tính cách, dáng vẻ thanh thoát, yêu kiều, dịu dàng, tài sắc vẹn toàn, hiếu nghĩa. Tuy nhiên, càng xinh đẹp nàng lại càng đau khổ, càng phải chịu nhiều chèn ép, bất công. Những luật lệ hà khắc thời phong kiến nghiệt ngã như giăng tơ quấn chặt lấy người phụ nữ đa đoan, để rồi đành phải phó mặc cuộc đời trong tay kẻ khác.

Nhân vật Kiều được biên đạo múa Tuyết Minh đặt nhiều tâm huyết. Chị chú trọng những tiêu chí về kỹ thuật phải đạt được trong niêm luật của bộ môn múa ballet.

Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách tinh thần và bản sắc văn hóa Việt Nam. Do đó, mỗi cử chỉ, động tác tổ hợp múa đều có sự chắt lọc những thủ pháp mang tính sáng tạo cao để truyền tải nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng với 2 phong cách semi classic bán cổ điển và dân gian dân tộc Việt Nam đã góp phần thể hiện thành công nội tâm nhân vật. Nhạc ca trù dẫn người xem vào không gian u uẩn như dự báo trước tai ương của Kiều, lúc lại cao vút với giọng hát giả thanh khi Kiều bị đưa vào chốn lầu xanh, lúc là giọng hung tợn, man trá của Tú Bà. Tiếng đàn lúc thầm thì, da diết, xót xa, ngậm ngùi, lúc thổn thức, rạo rực, có trường đoạn lại như gào thét tang thương...

Âm nhạc dân tộc, đương đại thăng hoa cùng hiệu ứng thị giác công nghệ máy chiếu Hologram khiến cho cái kết trầm mình dưới nước của Kiều trở nên chân thật như đang hiển hiện ngay trước mắt. Tất cả đã cộng hưởng tuyệt vời để khắc họa thật sống động hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa với nhiều vòng xoáy bi kịch trói buộc hà khắc.

Có thể nói, 15 năm đoạn trường của nàng Kiều được tái hiện thật xuất sắc qua ngôn ngữ chuyển động hình thể trong múa. Điều đặc biệt là những ý tứ phải bật được ra trên nền của ballet cổ điển phương Tây, bộ môn nghệ thuật mà trước đây vốn chỉ dành cho giai cấp quý tộc ở nước ngoài nhưng khi đưa vào tác phẩm ballet của Việt Nam đã truyền tải được tâm hồn Việt.

Điều đó được thể hiện ở các động tác múa của dân tộc Kinh, ở nét sân khấu truyền thống của Tuồng, Chèo, ở những câu ca dao, hát ru, những câu lảy Kiều, ca trù, hát xẩm... Tuyết Minh và ekip đã chắt lọc và cách điệu, kết hợp với nền tảng của kỹ thuật ballet cổ điển châu Âu để truyền tải được tư tưởng của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời cũng đạt được thẩm mỹ của khán giả đương đại.

Thông qua nghệ thuật múa, Kiều được sống trong thế giới âm nhạc, ánh sáng, trong tạo hình, trang phục, trong tư duy và cấu trúc của múa. Từ đó, vẻ đẹp của Kiều được tôn vinh bằng múa ballet trên giày mũi cứng, tạo nét đẹp mới lạ. Kiều bước ra khỏi câu chuyện cũ để bước lên sân khấu hiện đại để trở nên gần gũi với khán giả hôm nay.

Kịch múa "Ballet Kiều" cũng là sự đồng cảm của biên đạo và đội ngũ ekip với thân phận người phụ nữ Việt Nam xưa. Họ phải sống trong bủa vây của bất công, đọa đày, không tình yêu, không hạnh phúc, không tiếng nói. Nhưng chính những áp bức đó đã làm sáng ngời những đức tính, phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam.


Nguồn: GDTĐ