Nhẹ gánh trước kỳ thi tốt nghiệp

Phương Thảo, quê Thái Bình có thời gian lướt mạng, thư giãn trước kỳ thi tốt nghiệp bởi đã trúng tuyển sớm vào Đại học Ngoại thương cách đây hai tuần.

Nguyễn Thị Phương Thảo, lớp 12A1, trường THPT Bắc Duyên Hà, nói trước đây việc lướt mạng xã hội chừng 30 phút mỗi ngày là điều xa xỉ. Khi trúng tuyển sớm, ngoài giảm cường độ học, Thảo háo hức tìm hiểu các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa của trường Ngoại thương.

Nữ sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt tháng 5 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đề thi gồm ba phần Tư duy định lượng (Toán học), Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ) và Khoa học (Tự nhiên - Xã hội).

Thảo ôn thi đánh giá năng lực song song với lịch học chính khóa trên trường. Nữ sinh nói vì học lớp chọn tự nhiên, em có sẵn nền tảng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Với các môn còn lại, Thảo chủ động đọc tài liệu, sách giáo khoa và làm thêm một số đề thi thử trên mạng. Kết quả, Thảo đạt 125/150 điểm, thuộc top 10 thí sinh có điểm thi cao nhất trong số 87.000 lượt thí sinh. Theo công thức quy đổi của Đại học Ngoại thương, Thảo đạt 28,5 điểm, trúng tuyển ngành Kinh tế quốc tế.

"Kết quả này giúp em thoải mái tinh thần hơn, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn quá áp lực", Thảo nói.

Tương tự, Nguyễn Xuân Duy Thắng, lớp 12 trường THPT Ứng Hòa B (Hà Nội), chắc suất vào ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhờ đạt 96,49 điểm đánh giá tư duy - cao nhất trong hơn 7.000 thí sinh.

Trước đó, Thắng cũng trúng tuyển ngành Kỹ thuật máy tính của trường bằng hồ sơ năng lực (học bạ, giải nhất học sinh giỏi thành phố môn Vật lý) kết hợp phỏng vấn.

"Em không còn áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp", Thắng chia sẻ. Nam sinh đã ngừng học thêm, không "cày cuốc" làm đề mà chỉ đọc lại kiến thức, dành thời gian nghỉ ngơi, giữ sức khỏe.

Đến cuối tháng 6/2023, nhiều trường như Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Ngân hàng TP HCM, Ngoại giao, Luật Hà Nội... đã thông báo kết quả xét tuyển sớm. Hàng nghìn thí sinh như Thảo và Thắng gần như đã chắc suất vào đại học, bớt áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học. Trừ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, các phương thức còn lại đều xét tuyển sớm, gồm xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét kết hợp chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Năm 2022, hơn 50% trong tổng số 521.000 thí sinh trúng tuyển nhập học theo các phương thức này.

Vì thế, nhiều trường chú trọng hỗ trợ học sinh xét tuyển sớm. Thầy Trịnh Viết Hào, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp Edison (Hưng Yên), cho hay ngoài hướng dẫn học sinh chuẩn bị hồ sơ điểm số, chứng chỉ tiếng Anh, trường còn có lộ trình giúp học sinh làm quen với các kỳ thi đánh giá năng lực. Từ năm lớp 10, học sinh được tiếp xúc với các dạng câu hỏi, các năm sau được thi thử.

"Việc tìm hiểu và xét tuyển sớm giúp các em trúng tuyển đúng nguyện vọng, vào đại học nhẹ nhàng, giảm áp lực so với việc chỉ xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp", thầy Hào nói. Năm nay, tất cả học sinh khối 12 trường này đăng ký xét tuyển sớm, 95% đã đủ điều kiện trúng tuyển vào các đại học.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Thương mại, cùng nhìn nhận trúng tuyển sớm trước kỳ thi tốt nghiệp sẽ giúp thí sinh cởi bỏ nhiều áp lực. Tuy nhiên, ông Trung lưu ý thí sinh không nên chủ quan.

Theo quy định, các em cần đỗ tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện để được công nhận trúng tuyển đại học chính thức. Đây là điều không quá khó song ông lưu ý thí sinh kiểm tra lại yêu cầu của các đại học, bởi một số trường có tiêu chí cụ thể về điểm thi tốt nghiệp. Năm ngoái, thí sinh trúng tuyển sớm trường Thương mại theo phương thức xét học bạ còn phải đạt 20 điểm thi tốt nghiệp trở lên ở ba môn trong tổ hợp xét tuyển.

Ngoài ra, dù trúng tuyển theo phương thức nào, thí sinh vẫn cần đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 10 đến 30/7. Đây là quy trình xét tuyển bắt buộc. Ông Trung khuyên thí sinh nên đặt ngành mà mình yêu thích nhất làm nguyện vọng một.

Vài ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thảo nói vẫn sẽ làm hết mình, thực hiện mục tiêu 9 điểm mỗi môn Toán, Hóa, Tiếng Anh (Tổ hợp D07). Nếu điểm tốt nghiệp THPT như mong muốn, em có thể dùng đăng ký thêm một số nguyện vọng khác. Còn nếu làm bài không như ý, Thảo cũng không quá lo lắng vì đã trúng tuyển sớm.

"Các phương thức xét tuyển sớm tạo ra nhiều cơ hội cho thí sinh, giúp bọn em có thể vào được ngành, trường yêu thích bằng nhiều con đường khác nhau", Thảo nói.

Còn Duy Thắng cho rằng ngay cả khi chưa trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, thí sinh cũng không nên quá căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp. Theo Thắng, phương pháp học hiệu quả trong những ngày này là đọc lại những phần kiến thức chưa tự tin, không nên ôm đồm ôn luyện, dẫn đến phải thức khuya dậy sớm, ảnh hưởng sức khỏe.

"Điều quan trọng ở thời điểm này là ăn đủ, ngủ đủ để bước vào kỳ thi với tâm thế sẵn sàng nhất", Thắng nói.

Nguồn: VnExpress