Nhân viên cần được nghỉ chịu tang ở kỷ nguyên mất mát

Nhiều công ty Mỹ kéo dài số ngày nghỉ phép hưởng lương đối với những nhân viên có người thân qua đời. Các cuộc trò chuyện về sự mất mát cũng cởi mở hơn tại nơi làm việc.

Tháng 4 năm ngoái, khi bạn trai qua đời vì tự tử, Jess Mah (31 tuổi, Mỹ) đăng nhập vào Slack và nói với nhóm đồng nghiệp của mình rằng cô sẽ nghỉ 2 ngày.

Mah, khi đó là giám đốc điều hành của công ty phần mềm kế toán inDinero Inc., nhanh chóng chìm trong nỗi đau buồn. Cô không thể ngủ được. Kể lại với Wall Street Journal, cô cho biết não mình như thể đã ngừng hoạt động.

Cô không còn đủ kiên nhẫn, hay năng lượng để đối phó với những thử thách công việc hoặc các cuộc tranh cãi của đồng nghiệp,

“Tôi thật sự chán nản với cuộc sống. Tôi thực sự làm việc với 10% công suất”, Mah nói về quãng thời gian sau sự mất mát ấy.

Jess Mah đã thiết lập chính sách nghỉ phép có lương không giới hạn tại công ty mình sau khi trải qua bi kịch cá nhân. Ảnh: Tracy Nguyen/WSJ.

Cô hủy mọi cuộc họp trong tuần, và cả tuần tiếp theo. Cuối cùng, cô xin nghỉ việc 3 tháng, đồng thời thiết lập chính sách nghỉ việc hưởng lương không giới hạn tại công ty phần mềm, nơi cô hiện vẫn giữ vai trò chủ tịch điều hành.

“Mãi đến khi chuyện xảy ra với mình, tôi mới nghĩ rằng ‘Chà, chúng ta cần thảo luận sâu hơn về vấn đề này’. Bản chất nỗi đau mất mát người thân chính là một công việc bán thời gian”, cô nói.

Hàng triệu người trên khắp thế giới đã phải trải qua nỗi đau thương đột ngột trong suốt 2 năm qua, theo Wall Street Journal.

Riêng ở Mỹ, gần một triệu người qua đời kể từ khi bắt đầu đại dịch, phần lớn là do Covid-19. Những bi kịch khác cũng tiếp diễn, với nhiều người mất mạng vì bệnh tật và tai nạn. Càng ngày, chúng ta càng bàn luận nhiều về nỗi mất mát.

Cởi mở về nỗi đau

Khoảng 50% trong số 4.327 người được New York Life Foundation, quỹ từ thiện của công ty bảo hiểm cùng tên, khảo sát cho biết đại dịch đã khiến họ trò chuyện với gia đình, bạn bè về cái chết.

“Nói về nỗi mất mát là điều có thể chấp nhận được”, Jackie Reinberg, giám đốc điều hành công ty tư vấn Willis Towers Watson PLC, người đã tư vấn cho các công ty về chính sách nghỉ việc.

Bà cho biết bàn luận về sự đau buồn và khó khăn khi người thân ra đi ở trong môi trường làm việc trở nên phổ biến hơn trong 2 năm qua.

Một tác phẩm nghệ thuật ngoài trời ở Washington D.C. nhằm tưởng nhớ những sinh mạng đã mất vì Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP.

Khi đại dịch phá vỡ bức tường giữa công việc và cuộc sống cá nhân của con người, những gì nhân viên mong đợi, hoặc ít nhất là mong muốn, từ lãnh đạo của họ đã thay đổi.

Nỗi mất mát người thân, sự kiệt sức và chăm sóc con cái từng được coi là những vấn đề riêng tư, phụ thuộc cá nhân tự giải quyết. Thế nhưng, Covid-19 khiến một số nhân viên đang yêu cầu công ty hỗ trợ khi họ gặp khó khăn.

Một số công ty, tổ chức đang cho phép người lao động nghỉ dài ngày hơn khi đang chịu đựng nỗi mất mát, đồng thời mở rộng chính sách "nghỉ chịu tang", bao gồm những người bị sẩy thai hoặc điều trị vô sinh bất thành.

Các chính sách về nghỉ chịu tang bắt đầu thay đổi từ trước khi đại dịch hoành hành toàn cầu. Theo Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, tỷ lệ các tổ chức, công ty cung cấp chế độ nghỉ việc có lương đã tăng từ 79% (2017) lên 89% (2020).

Bản thân Jess Mah tốn nhiều thời gian để lấy lại tinh thần sau cái chết đột ngột của bạn trai. Ảnh: Tracy Nguyen/WSJ.

Công ty Willis Towers Watson cũng cho biết 1/3 số công ty đã cho phép nghỉ phép vì sẩy thai vào năm 2020.

Trong đó, kể từ tháng 1, ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. bắt đầu thực hiện chế độ nghỉ phép có lương kéo dài 20 ngày dành cho những người bị sẩy thai hoặc thai chết lưu.

“Đại dịch đã nêu bật tầm quan trọng của gia đình”, Laura Young, người giám sát các lợi ích cho ngân hàng, nói.

Theo bà, các chính sách được mở rộng báo hiệu cho người lao động rằng họ có thể dành thời gian để thương tiếc người đã khuất. Chúng cũng giúp ngân hàng cạnh tranh trong thị trường lao động eo hẹp.

Một số công ty công nghệ cũng đã mở rộng lợi ích và thời gian nghỉ của nhân viên trong những năm gần đây.

Meta, tập đoàn mẹ của Facebook, cho phép nhân viên 10 ngày nghỉ phép có lương để chịu tang một người không phải ruột thịt. Còn Google gửi 1/2 tháng lương của nhân viên đã khuất tới vợ/chồng họ trong suốt 10 năm.

Hạn chế của chính sách

Thế nhưng, các nhân viên cũng đang lên tiếng và đặt câu hỏi về những mặt hạn chế về quyền lợi trong chính sách. Nếu một người họ hàng hoặc thú cưng gần gũi, thân thiết qua đời, liệu họ có được dành thời gian nguôi ngoai nỗi buồn?

Khi bác của Namitha Jacob qua đời, cô lập tức bay từ thủ đô Washington D.C. tới Houston (bang Texas) để tham dự tang lễ. Là thế hệ người Mỹ gốc Ấn Độ đầu tiên, Jacob lớn lên với đại gia đình cùng một nhà hoặc khu dân cư.

Chia sẻ với Wall Street Journal, cô cho biết chính sách nghỉ chịu tang của công ty cô không bao gồm bác ruột trong danh sách các mối quan hệ được chấp nhận để nhân viên nghỉ phép có lương.

Một triển lãm nghệ thuật ở Los Angeles nhằm tôn vinh những nhân viên y tế tuyến đầu qua đời vì Covid-19. Ảnh: Paloma Dooley/Kaiser Health News.

Jacob, người làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế, chia sẻ trải nghiệm của mình trên LinkedIn và thu hút gần 2.000 bình luận.

“Rất nhiều người liên hệ tôi. Và họ nói rằng thật không công bằng khi công ty quyết định xem tôi được để tang ai”, cô kể lại.

Còn Lindsey Fenton bắt đầu cảm nhận được sức nặng của những mất mát liên tiếp kể từ tháng 6/2021, khi mèo cưng của cô qua đời. 7 tháng trước đó, Fenton lần lượt mất ông nội, người bạn thân nhất thời đại học và một đồng nghiệp cũ.

“Nỗi thương tiếc như một đốm màu kỳ lạ ập đến bạn khi bạn ít ngờ tới nhất”, cô chia sẻ.

Fenton bận rộn với công việc và không cảm thấy mình được nghỉ ngơi. Cô tin rằng việc vùi đầu vào công việc và những cuộc họp kéo dài cả ngày khiến cô càng thêm mệt mỏi, đau buồn.

“Bạn sẽ không muốn bị kiệt sức đến nỗi bất cứ điều gì cũng có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc”, cô nói. 

Nguồn: https://zingnews.vn/nhan-vien-can-duoc-nghi-chiu-tang-o-ky-nguyen-mat-mat-post1298265.html