Đó là đánh giá của bà Đinh Mộng Kha, CEO của VietGuys tại tọa đàm "Nhân sự Gen Z và những xu hướng tuyển dụng mới" hôm 3/4, trong khuôn khổ ngày hội việc làm 2023 do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM và trường Đại học Văn Lang tổ chức.
Bà Kha cho biết theo các dự báo về thị trường lao động, đến năm 2030, nhân sự trong độ tuổi Gen Z (sinh từ 1997 đến 2010) chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy đây là một thế hệ lớn lên với công nghệ. Độ tuổi trung bình bắt đầu tiếp xúc với công nghệ của Gen Z là 10,3. Họ rất am tường mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok, nắm bắt xu hướng nhanh, linh hoạt, đáp ứng tốt những yêu cầu mới.
Là giám đốc điều hành một công ty công nghệ, với khoảng 60% nhân sự Gen Z, bà Kha đánh giá họ nhanh nhạy nhưng khả năng chịu áp lực kém. "Có thể vì các bạn ấy mới đi làm hoặc vì họ được sinh ra và lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ hơn so với những thế hệ trước", bà lý giải.
Dẫn chứng một nhân sự GenZ ở công ty, bà Kha đánh giá họ thường chủ động đề nghị làm dự án này, gặp người kia, thử cái nọ. Nhưng được một thời gian ngắn, các bạn bắt đầu than thở "cái này sao khó quá". Khi bị khách hàng trách móc nặng lời, có người đã trốn trong góc khóc, làm đơn xin nghỉ việc và cho rằng mình đã chọn sai ngành.
Một vấn đề khác theo bà Kha là nhiều nhân sự Gen Z giỏi nhưng thiếu khiêm tốn, chưa biết tiết chế cái tôi cá nhân. Khi đánh giá một ứng viên, điểm quyết định nằm ở thái độ. Trong đó, sự trung thực là yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất. Trung thực không có nghĩa có gì nói đó mà là sự nhất quán từ suy nghĩ, lời nói đến hành động.
"Yếu tố thái độ cực kỳ quan trọng trong từng nấc thang sự nghiệp. Các bạn hãy tự tin nhưng đừng tự cao, tin vào con đường mình chọn nhưng đừng chỉ trích người khác", bà Kha chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Võ Hùng Thái Thụy, đồng sáng lập Công ty TNHH Công nghệ và Đào tạo Yoot, và ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc nhân sự một công ty bán lẻ, cho rằng thái độ của nhân sự là tiêu chí rất quan trọng với doanh nghiệp.
Ông Thụy nói thậm chí điều này còn được đánh giá cao hơn cả chuyên môn và kỹ năng.
"Thái độ chiếm đến 70% quyết định tuyển dụng của doanh nghiệp. Trong thái độ có ba điểm cần lưu ý là tính trung thực, sự cam kết và tư duy làm việc hiệu quả", ông Thụy nói.
Ông lưu ý sinh viên mới ra trường có thể chứng minh ba yếu tố trên với nhà tuyển dụng thông qua quá trình học tập, rèn luyện. Qua những bài tập nhóm, tiểu luận, thuyết trình, ứng viên có thể chỉ ra mức độ tham gia, trách nhiệm, khả năng giải quyết vấn đề của mình từ lúc lên ý tưởng, kế hoạch và thực hiện.
Theo ông Minh, với ứng viên mới tốt nghiệp đại học, ông không đặt nặng vấn đề kỹ năng, vì đây là yếu tố có thể đào tạo.
"Những người thích học hỏi, thực sự muốn làm thì doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo, dẫn dắt", ông Minh cho biết.
Nhận định về thị trường tuyển dụng trong năm nay, ông Thụy cho rằng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, làn sóng sa thải công nghệ, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có chi phí về nhân lực. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn cần tuyển người mới nhưng sẽ nâng tiêu chí, chọn lọc khắt khe hơn.
Bà Kha đánh giá 2023 là một năm khó khăn. Những doanh nghiệp dịch vụ bán lẻ và ngành hàng ăn uống đang bị ảnh hưởng nặng nề trong khi đây là lĩnh vực có nhu cầu về nhân lực lớn nhất trong các khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, bà cho rằng thị trường lao động luôn có "đất dụng võ" cho những ứng viên có năng lực.
"Sinh viên sắp ra trường không cần quá lo lắng, thay vào đó nên cố gắng dấn thân và trải nghiệm để có lợi thế khi bước vào thị trường tuyển dụng", bà Kha nói.
Nguồn: VnExpress