Nguy cơ tái mắc Covid-19 của trẻ em

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Michigan phát hiện trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ tái mắc Covid-19 và bệnh chuyển nặng cao nhất.

Mức độ ảnh hưởng của Covid-19 với trẻ em và liệu lần mắc trước đó có bảo vệ trẻ khỏi virus hay không là điều mà nhiều nhà khoa học quan tâm.

Hầu hết trẻ mắc Covid-19 đều nhẹ hoặc không có triệu chứng. Do đó, những dữ liệu về Covid-19 ở trẻ em và nguy cơ tái nhiễm nCoV vẫn còn khá ít ỏi. Song, một số ít diễn biến nặng và phát triển bệnh kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, hội chứng viêm đa hệ (MIS-C). Tình trạng này thường phổ biến ở trẻ nhũ nhi hoặc các trường hợp có bệnh lý nền đi kèm.

Nhóm chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Michigan, Mỹ, đã cố gắng tìm câu trả lời về tác động của những biến chủng đáng lo ngại với bệnh lý lâm sàng của trẻ cũng như nguy cơ tái mắc Covid-19. Nghiên cứu công bố ngày 5/1 trên medrxiv.

Trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ chuyển nặng cao nhất

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về bệnh cúm của trẻ em ở Nicaragua, được thu thập từ ngày 1/3/2020 đến 15/10/2021, gồm 2.000 trẻ em trong độ tuổi 0-14 và không bị suy giảm miễn dịch.

Khoảng 50% trẻ em tái mắc Covid-19 với biểu hiện là huyết thanh dương tính với nCoV trong suốt thời gian nghiên cứu. Ngoài ra, 12 trẻ phải nhập viện vì bệnh chuyển nặng. Tỷ lệ mắc bệnh nặng cao nhất ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi (16/1.000 người một năm). Tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác và cao gấp đôi so với tỷ lệ chung là 7,6/1.000 người một năm.

Trẻ em tái mắc Covid-19 có thể gặp biến chứng hoặc di chứng kéo dài, đặc biệt là nhóm dưới 2 tuổi. Ảnh: Freepik.

Khoảng 10% trẻ tái mắc Covid-19 gặp phải di chứng kéo dài, hầu hết là triệu chứng về hô hấp, kéo dài ít nhất 28 ngày. Các triệu chứng như sổ mũi, ho, nghẹt mũi, đau họng. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi thường có thêm tình trạng thở gấp.

Tất cả ca tái mắc Covid-19 trong nghiên cứu trên đều nhiễm biến chủng Gamma hoặc Delta. Đây là hai biến chủng được xếp vào nhóm đáng quan ngại và xuất hiện nhiều trong tỷ lệ mắc Covid-19 ở Nicaragua thời điểm này.

Tình trạng trẻ tái mắc Covid-19 tương đối phổ biến

Các kết quả nói trên cũng cho thấy tình trạng tái mắc Covid-19 và có triệu chứng ở trẻ em tương đối phổ biến. Khoảng 20% trẻ tái mắc Covid-19 biểu hiện triệu chứng trong lần lây nhiễm thứ hai. 60% trẻ dưới 5 tuổi được bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm có triệu chứng. Con số này so với nhóm 5-9 tuổi và 10-14 tuổi lần lượt là 64% và 50%.

Tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em được đánh giá là khá cao với hơn 50% có chuyển đổi huyết thanh. Hầu hết trẻ mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Song, các bé dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc bệnh chuyển nặng cao hơn, gấp 5 lần tỷ lệ của trẻ 5-9 tuổi. Đây cũng là nhóm tuổi có nguy cơ tái nhiễm cao nhất với tỷ lệ 16,1/1.000 người.

Tuy nhiên, nhìn chung, chỉ có 6% trẻ tái mắc Covid-19 có xu hướng phát triển bệnh nặng, với tỷ lệ mắc bệnh là 0,4/1.000 người mỗi năm.

Nhóm tác giả nhấn mạnh chúng ta phải theo dõi sát mức độ nghiêm trọng của Covid-19 với trẻ em và cần loại vaccine an toàn, phù hợp cho lứa tuổi này.

Ngay cả khi trẻ khỏi Covid-19 cũng vẫn cần được tiêm vaccine để tăng hiệu quả bảo vệ trước nCoV. Ảnh: Freepik.

Trong nghiên cứu, những trẻ có tiền sử mắc Covid-19 được xác định bằng cách tìm kiếm vùng liên kết thụ thể kháng SARS-CoV-2 và xét nghiệm rRT-PCR dương tính ít nhất 60 ngày kể từ thời điểm thu thập mẫu. Tất cả trường hợp có triệu chứng phải được làm xét nghiệm rRT-PCR và tiền sử nhập viện trong vòng 28 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Các tình nguyện viên được phân loại thành nhóm cận lâm sàng, nhẹ, trung bình và nặng. Những trẻ có triệu chứng về đường hô hấp được xếp vòa nhóm bệnh mức độ trung bình. Trong khi đó, mức bệnh nặng là những trẻ phải nhập viện điều trị.

Các trường hợp tái mắc Covid-19 là những trẻ có kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính với nCoV sau ít nhất 60 ngày kể từ lần có kết quả nhiễm virus trước đó.

Trong nghiên cứu vào tháng 11/2021 do Đại học Y Vanderbilt (Mỹ) thực hiện, việc tái nhiễm ở trẻ em chưa được tiêm chủng là có thể xảy ra và nguy cơ cao hơn so với người lớn. Theo dữ liệu này, những người đã nhiễm nCoV vẫn cần phải tiêm vaccine, đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em.

Ở người trưởng thành, khi nhiễm nCoV, họ thường tạo ra nhiều kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Đại học Y Vanderbilt phát hiện trẻ em mắc Covid-19 không tạo ra nhiều loại kháng thể nên khả năng bảo vệ sẽ kém hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và chưa được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5 lần so với những người đã được tiêm phòng và không bị nhiễm virus trước đó.

Tiến sĩ Danielle Zerr, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm nhi khoa, Bệnh viện Nhi Seattle, Mỹ, nhấn mạnh sau khi nhiễm nCoV, trẻ có khả năng bảo vệ chỉ kéo dài vài tháng. Những trẻ từng mắc Covid-19 và tiêm phòng ít có nguy cơ tái mắc Covid-19 hơn.

Ngay cả khi trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, chúng vẫn có thể truyền virus sang cho người. Do đó, tiêm chủng vaccine Covid-19 là cách hiệu quả để bảo vệ trẻ và người xung quanh.

Nguồn: https://zingnews.vn/nguy-co-tai-mac-covid-19-cua-tre-em-post1291110.html