Người trẻ thiếu năng lượng: Vì nhu cầu ổn định hay ngại thoát khỏi 'vùng an toàn'?
'Vật vờ như xác sống, zombie công sở' là một tình trạng vốn luôn tồn tại nơi công sở. Từ khi đại dịch COVID-19 kéo dài, trạng thái này lại càng bộc lộ rõ hơn ở các bạn trẻ.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Khánh Nhi (sinh năm 1995) hiện làm truyền thông tại một công ty chuyên nhập khẩu cho biết: “Sau một năm làm việc tại đây, tôi dần cảm thấy công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, không có sự sáng tạo hay khơi dậy cảm hứng mạnh mẽ.
Môi trường làm việc quá an toàn và êm đềm: không có áp lực, không có KPI và không có nhiều người thuộc thế hệ trẻ như mình. Đôi khi tôi muốn sáng tạo hơn, muốn phát triển cái mới hơn nhưng lại không được phê duyệt dự án đó vì cho rằng không đạt hiệu quả cao.
Vả lại, đa số đồng nghiệp của tôi đều đã lập gia đình nên tư duy, cách suy nghĩ có phần khác biệt so với thế hệ trẻ hơn nên tôi luôn phải “dè chừng” khi đưa ra một ý tưởng mới mẻ nào đó.
Tuy nhiên, tôi vẫn “bám trụ” môi trường công sở bởi tôi cần một số tiền ổn định để duy trì cuộc sống. Tôi cũng sợ những thử thách mới, sợ phải làm quen với những con người mới hoặc rào cản về “sự hòa nhập” với công việc”.
Khác với Khánh Nhi, một bạn trẻ có tên Nguyễn Văn Thống (sinh năm 1998, quê ở Sóc Sơn, hiện làm công nghệ thông tin) lại gặp phải tình trạng chán nản khi không biết bản thân thích gì dù đã từng trải qua nhiều vị trí việc làm khác nhau.
Thống chia sẻ: “Tôi từng làm redesign sách, sale bất động sản… nhưng đều không được lâu dài lắm, đến giờ tôi vẫn chưa xác định được đam mê của bản thân. Tôi nhận thấy việc gì mình cũng có thể làm được nhưng lại không giỏi và không thực sự thích việc gì cả dẫn đến trạng thái “dễ hài lòng, dễ chán”.
Tôi không có động lực nội sinh để làm công việc hiện tại, chỉ có động lực kiếm tiền. Vả lại, gia đình tôi vừa trải qua một vài biến cố, kinh tế suy giảm, bố mẹ làm việc đến 11h đêm nên tôi nào dám bỏ thời gian ra để “thử”. Cảm giác kiếm được tiền về mua cho bố cái xe, mua cho mẹ cái điện thoại rất hạnh phúc, nếu “mạo hiểm” thì chưa chắc tôi sẽ làm được những điều đó."
Chị Nguyễn Thị Nguyệt đang là trưởng phòng nhân sự của một công ty. Ảnh: Linh Phan
Bày tỏ góc nhìn cá nhân về vấn đề nhiều bạn trẻ thiếu năng lượng làm việc, chị Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1991, sống ở Hà Nội, hiện là trưởng phòng nhân sự) cho biết: “Là một người tuyển dụng và quản lý nhân sự, tôi nhận thấy một số bạn nhân viên xung quanh cũng rơi vào tình trạng làm việc “cầm chừng”. Có bạn biểu hiện rõ ra bên ngoài: làm theo những gì được giao, giao việc vẫn làm nhưng không hẳn hoàn thành xuất sắc. Có trường hợp lại sống khép mình, không tỏ ra sự chán nản bên ngoài nhưng lại từ chối tham gia các hoạt động của công ty, hạn chế giao tiếp với đồng nghiệp…
Tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là phải biết mục tiêu của bạn nhân viên, cần khẳng định vai trò, ghi nhận và để bạn ấy thể hiện mình trong môi trường làm việc”.
Chuyên gia tâm lý nói gì?
Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên (Giảng viên kỹ năng sống - kỹ năng mềm) đã đưa ra nhận định và một số giải pháp cho tình trạng nói trên.
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, tình trạng này vốn luôn tồn tại nơi công sở, tuy nhiên khi đại dịch COVID-19 kéo dài, lượng khách hàng giảm, kinh tế chậm phát triển và giảm sức cạnh tranh thì lại càng bộc lộ rõ ở nhiều người. Một phần khác, nhu cầu an toàn và sự ổn định của chúng ta được đặt lên trên hết, vì vậy, nhiều người chọn cố gắng bám trụ thay vì mạo hiểm thay đổi.
Để tự duy trì được động lực nội sinh, bạn trẻ cần tìm được một môi trường gần với những giá trị làm việc mà mình đang theo đuổi, tìm hiểu văn hóa công ty và so sánh mức độ tương thích với phong cách làm việc của bản thân. Nhưng bên cạnh đó, bạn cần nhớ, sự phát triển và niềm vui, động lực trong công việc là trách nhiệm của chính bạn, bạn mong cầu một môi trường làm việc lý tưởng, nhưng bạn cũng chính là người đóng góp cho sự lý tưởng đó.
Những mong đợi đối với tổ chức cũng cần được trao đổi thẳng thắn, đó là cách bạn chủ động điều chỉnh môi trường làm việc.
Để cân nhắc rằng bạn đang trong trạng thái cần buông bỏ hay cần thay đổi để thích nghi, hãy xem xét lại sự phù hợp của bản thân với công việc và môi trường làm việc. Bạn “mạo hiểm” vì bạn muốn và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho lựa chọn này, chứ không phải vì công việc hiện tại hay môi trường hiện tại có lỗi và buộc bạn phải rời đi, đó là điều bạn luôn cần hiểu cho bất cứ sự thay đổi nào”.
Nguồn: https://tienphong.vn/nguoi-tre-thieu-nang-luong-vi-nhu-cau-on-dinh-hay-ngai-thoat-khoi-vung-an-toan-post1397145.tpo