Người sưu tầm ký ức ngày đại dịch
Hàng nghìn hiện vật từ khắp các vùng quê, đó có thể là tấm thẻ công tác, giấy đi đường, phiếu đi chợ, giấy ra viện... cho tới những chai cồn, tấm bảng tên, đôi găng tay... bằng một cách nào đó đã về với ông Huỳnh Minh Hiệp (50 tuổi, ngụ Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) và được ông biến thành kỷ vật lưu giữ những ký ức không thể nào quên về trận đại dịch đau thương từng quét qua thành phố này.
Bộ sưu tập phiếu đi chợ mùa Dịch
Ông Huỳnh Minh Hiệp nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh với những biệt danh mà người đời đặt cho ông như “Lúa, Tía”, gắn liền với các bộ sưu tập hoài cổ về Sài Gòn xưa cùng nhiều bộ sưu tập tiền, tiền cổ, poster phim. Khi cơn đại dịch qua đi, ông Hiệp lại có thêm một danh xưng khác đó là, “người lưu giữ ký ức”.
Gắn bó cả phần đời ở thành phố này, từng chứng kiến những giai đoạn thăng trầm cùng bao biến cố xảy ra nhưng trong trận đại dịch năm 2021, với ông Hiệp, đó là giai đoạn thương đau thật khó lành sẹo. Ông Hiệp là người từng tham gia tuyến đầu chống dịch, vận chuyển thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế và cũng là người chứng kiến những mất mát khủng khiếp mà đại dịch gây ra.
Những bưu kiện kỷ vật mùa dịch được gửi đến cho ông Hiệp từ mọi miền đất nước.
“Người anh em đi chống dịch cùng tôi chỉ hơn một tháng mà mất tới 5 người trong gia đình.Họ ra đi tại bệnh viện dã chiến số 16, nơi anh ấy đang làm tình nguyện viên.Tiếp sau đó là anh trai ruột của đồng đội ra đi vì COVID-19.Chúng tôi chỉ có thể đứng trước cổng bệnh viện quỳ gối khấn nguyện để tiễn đưa người đã khuất”, ông Hiệp nhớ lại một ngày buồn của năm 2021.
Đó là mảng ký ức đáng sợ nhưng cần được biết đến. Suy nghĩ như vậy, ông Hiệp nảy ra ý tưởng sưu tầm và lưu giữ tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến chống dịch, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà ở khắp các tỉnh thành, vùng, miền trên cả nước.
6h30 phút ngày 30-7-2021, Thanh Cường, nhân viên văn phòng đang ở nhà trọ thì nghe tiếng bà chủ gọi ra lấy phiếu đi siêu thị. Đây là lần đầu tiên Cường dậy sớm như vậy để mua thực phẩm, vì phiếu chỉ có giá trị 2 tiếng trong ngày.Cường xếp hàng thật dài ở siêu thị để mua ít rau xanh và vài củ hành, tỏi. Cường thấy hay hay nên đã giữ lại tờ giấy, sau khi biết ông Hiệp cần tờ giấy này, Cường đã tới tận nơi trao tặng.
Cường cho biết, nhìn tờ giấy là nhớ đến khoảng thời gian khó khăn trong đại dịch, nhớ lại cảm giác cầm trên tay tờ phiếu đi chợ thời COVID-19, nó nhắc nhở chúng ta biết quý trọng cuộc sống này hơn. Những tờ phiếu đầu tiên đến tay ông Hiệp, có một cảm giác gì đó thật khó để gọi tên. Ông thấy như nỗi niềm trắc ẩn bủa vây tâm trí mình. Ông có thêm động lực để kiếm tìm những gì còn sót lại sau cơn đại dịch.
Đi đâu ông Hiệp cũng hỏi xin, gặp người bạn nào ông cũng chia sẻ ý nguyện của mình cho họ hiểu sau đó lan tỏa thông tin để kết nối với mọi người. Ai còn giữ được cái gì thì cho ông xin, nếu xa thì gửi bưu điện, gần thì ông ghé nhận. Ông lặng lẽ, miệt mài lượm lặt từng mảnh giấy đi chợ. Khi có đủ bộ sưu tập phiếu đi chợ ở các quận, huyện thuộc TP. Hồ Chí Minh nhưng sót huyện Cần Giờ, ông Hiệp phải xuống tận nơi tìm, hỏi thăm nhiều người. Ông lang thang, lê la từ sáng đến tối tại quán ăn, khách sạn, quán cà phê nhưng chẳng ai còn giữ tờ giấy này. Đang buồn bã trở về, gặp người phụ nữ bán kem trên đường, ông buông lời hỏi vu vơ, không ngờ bà ấy còn lưu giữ một tấm “vé ngày COVID”. Ông Hiệp ngồi chờ cho đến khi thùng kem của bà bán hết mới theo chân gia chủ về nhà lấy hiện vật là tấm giấy đi chợ đã hoen ố, phai mờ đi một phần nội dung.
Chị chủ quán nước ven đường thuộc tỉnh Đồng Tháp vui vẻ tặng ông Hiệp 2 tấm phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ.
Có đủ bộ phiếu đi chợ tại TP. Hồ Chí Minh, ông Hiệp bắt đầu đi hỏi xin đến các tỉnh, thành khác. Rất ít người còn giữ, vì nó chỉ là tờ giấy đã hết giá trị sử dụng vào thời điểm gỡ phong tỏa, chỉ có ông Hiệp hiểu rằng, đó là ký ức không được phép lãng quên. Những tờ giấy đã nhàu nát, rách tươm, đã không còn rõ chữ hoặc những tờ phiếu bị lỗi hành văn thì ông Hiệp lại càng trân quý.
Ông Hiệp kể, có tờ phiếu đi chợ ở phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khi mới phát hành thì phiếu này đã bị chính quyền thu hồi lại ngay. Lý do, trong văn bản in phiếu ghi “mỗi nóc gia được phát 06 thẻ/18 ngày”. Chữ “nóc gia” chỉ hộ gia đình ở Nam Bộ ngày xưa, không còn phù hợp nên phiếu đi chợ bị thu hồi.
Đi ngang qua Đồng Tháp, ông Hiệp ghé quán nước nghỉ ngơi, thấy chị chủ quán bước ra, ông Hiệp hỏi ngay: “Nhà chị còn giữ phiếu đi chợ mùa dịch không, cho tôi xin?”.Chị chủ ngạc nhiên nhưng rồi thấy nụ cười chân chất thật thà của ông “Hai Lúa”, chị đem lòng cảm mến đã vào nhà lấy ra một phiếu đi chợ.Chị chủ cho biết, mỗi nhà chỉ được 1 phiếu, đi chợ xong phải nộp lại cho ban quản lý nhưng vì chị không đi chợ nên còn giữ. Được một tem phiếu ngày chẵn, ông Hiệp lại năn nỉ chị chủ sang nhà hàng xóm hỏi xin giúp mình một phiếu ngày lẻ nữa. Có được bộ phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ ở tận xã vùng biên của Đồng Tháp Mười khiến ông Hiệp lâng lâng hạnh phúc...
Chỉ trong thời gian ngắn, ông Hiệp đã sưu tầm được hàng ngàn phiếu đi chợ. Trong quá trình thu thập, ông Hiệp không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào mà chỉ mất công đi xin. Dần dà, việc làm của ông được nhiều người biết tới, những nơi ở xa như Hà Nội, miền Tây, miền Trung hay Tây Nguyên đã gửi về cho ông theo đường bưu điện.
Những ký ức được lưu giữ
Không chỉ phiếu đi chợ, mà tất cả những gì liên quan đến cuộc chiến chống dịch, ông Hiệp đều muốn lưu giữ lại.“Đại bản doanh” tiếp nhận kỷ vật thời dịch tại quán cà phê “Lúa Sài Gòn” ở Q. Phú Nhuận của ông dần được biết đến.Nơi này trở nên quen thuộc với nhiều người sống tại TP Hồ Chí Minh và họ đã chủ động mang tới trao tặng.
Chủ tịch phường An Lợi Đông trao tặng những kỷ vật mà ông từng tham gia chống dịch cho ông Hiệp.
Một ngày đẹp trời cuối tháng Giêng, ông Hiệp tiếp vị khách đặc biệt đến tặng kỷ vật là tấm “Giấy đón bé” tại bệnh viện của cô phóng viên trẻ Phan Thị Mộng Điệp cùng vài dòng viết tay chia sẻ: “Mến tặng anh Hiệp giấy đón bé ở Bệnh viện Hùng Vương. Đây là một chút kỷ niệm đáng nhớ của em trong mùa dịch này. Trong khi đồng nghiệp có những bài báo hay, những người như anh Hiệp ngày đêm hỗ trợ tuyến đầu, thì em được ở nhà, có một công việc để làm đã thấy mình quá may mắn nhưng nhiều lúc thấy mình thật hèn nhát vì không dám xông pha. Bỗng một ngày, có tin nhắn từ người mẹ gửi tới nhờ em nuôi giúp đứa trẻ mới sinh, em đã đồng ý mà không tính toán cân đo. Ngay lúc này, nếu em không làm thì ai sẽ làm? Và, em muốn chia sẻ một phần gánh nặng cho các bác sĩ ở Bệnh viện Hùng Vương...”.
Một người trẻ khác là anh Võ Đông Hồ - Phó Bí thư Đoàn thanh niên P.4, Q.5, TP. Hồ Chí Minh cũng hào phóng mang tới trao tận tay ông Hiệp tất cả những giấy tờ gắn liền với anh Hồ trong thời gian đi chống dịch ở tuyến đầu. Anh Hồ viết vào cuốn nhật ký của ông Hiệp: “Nếu tính từ đại dịch lần thứ 4 đến nay đã hơn 9 tháng. Trong suốt 2 năm qua, có bao nhiêu người đã mãi mãi ra đi vì đại dịch. Nay em gửi tặng anh một số kỷ vật gắn liền với đại dịch 2021 vừa qua, nhờ anh lưu giữ những kỷ niệm trên để thế hệ trẻ ngày sau không quên những giai đoạn khó khăn của cả nước”.
Và, dòng tin của vị chủ tịch UBND phường: “Thân tặng anh Lúa những kỷ vật lưu giữ ký ức của một giai đoạn khó khăn, mệt mỏi của Sài Gòn khi đại dịch COVID-19 tràn đến. Một giai đoạn mà trước đây TP. Hồ Chí Minh chưa từng trải qua và giờ đang hồi sinh mạnh mẽ”, mẩu giấy viết tay của ông Nguyễn Như Thành, Chủ tịch UBND phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức gửi ông Hiệp kèm theo các hiện vật mà ông Thành lưu lại trong suốt thời gian chống dịch.
Lần giở cuốn nhật ký kỷ vật của ông Hiệp, mắt chúng tôi nhòe đi khi đọc được dòng chữ trên tấm giấy nhỏ màu vàng của một bé gái bất hạnh. Trong nét chữ run rẩy ấy, bé đã thổ lộ: “Con là Lê Ngọc Phương Trinh, con là trẻ mồ côi cha trong dịch COVID-19. Con gửi tặng chú tờ giấy này để chú lưu lại những ký ức đau thương làm cho con thành trẻ mồ côi, mất cha”.
Tấm giấy viết tay của bé gái mất cha gửi tặng ông Hiệp.
Mỗi hiện vật mọi người trao tặng là một câu chuyện khó quên trong mùa dịch.Là người trong cuộc, ông Hiệp thấu hiểu nỗi đau mà họ nếm trải khi nhìn thành phố sôi động đã từng có một khoảng lặng, đường phố không một bóng người.
“Đau lắm, thương lắm.Tôi muốn lưu lại bộ sưu tập cộng đồng này để nhắc bản thân và thế hệ trẻ đừng quên những ngày đã qua, những ngày mà mọi người sát cánh cùng nhau, chia sẻ từng bó rau, viên thuốc. Góp nhặt tất cả những điều đó, tôi muốn sau này thành lập một bảo tàng để mọi người đến và thấy cơn đại dịch quét qua rất khủng khiếp”, ông Hiệp tâm sự.
Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, từ của cải vật chất cho tới một lời khuyên hay một lời nói chân tình, một ánh mắt thiện cảm, một nụ cười đôn hậu. Riêng ông Huỳnh Minh Hiệp đang trao tặng cho cuộc sống này điều tuyệt vời bằng những kỷ vật gắn liền với ký ức bi tráng của ngày hôm qua, theo cách rất riêng của mình.
Nguồn: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nguoi-suu-tam-ky-uc-ngay-dai-dich-i648276/