Người dùng không nên nóng vội mua Apple Macbook với bộ xử lý M1

Các máy tính M1 đầu tiên của Apple gồm Macbook Air, Macbook Pro 13 inch và Mac Mini.

Bộ xử lý M1 được phát triển dựa trên kiến trúc ARM, tương đồng với các chip A trong iPhone, iPad, đồng nghĩa với việc không trực tiếp thực thi các ứng dụng x86 được thiết kế cho bộ xử lý Intel lâu nay. Để giải quyết vấn đề tương thích, Apple tích hợp trong macOS hệ thống “phiên dịch” mã nguồn mang tên Rossetta 2.

Tuy nhiên, việc phải viện tới khâu trung gian khiến các ứng dụng thường gặp nhiều vấn đề, như suy giảm tốc độ, nảy sinh lỗi về độ tương thích, thậm chí là không hoạt động nổi. Bên cạnh đó, thời lượng pin, sự mượt mà trong giao diện… cũng đều suy giảm đáng kể.

Để giải quyết sớm nhất vấn đề, hiện tại, một số nhà sản xuất phần mềm đã tung ra những bản thử nghiệm đầu tiên dành cho nền tảng mới. Theo Google, Chrome phiên bản dành cho M1 đã được phát hành với số hiệu M87. Khi tiến hành cài đặt, bộ cài sẽ hỏi người dùng muốn cài phiên bản Chrome nào.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số lỗi nghiêm trọng đã buộc hãng khổng lồ tìm kiếm trực tuyến phải tạm dừng phát hành phiên bản này, đồng nghĩa rằng người dùng sẽ phải chờ đợi thêm.

Chrome M87 có tùy chọn cài phiên bản dành cho máy tính Mac với bộ xử lý M1.

Trong khi đó, Adobe cũng đang gấp rút hoàn thiện các phiên bản M1 của gói ứng dụng quan trọng. Ngay trong ngày 19-11, hãng đã phát hành bản thử nghiệm sơ khai đầu tiên của Photoshop, cho phép người dùng tải về và cài đặt qua công cụ quản lý ứng dụng Adobe Creative Cloud.

Ngoài Photoshop, hàng loạt ứng dụng khác của Adobe như Premier, Illustrator hay Dreamweaver đều chưa có bản thử nghiệm. Người dùng tạm thời có thể chạy chúng trên macOS Big Sur và M1 nhờ Rosetta 2 như đề cập ở trên, nhưng Adobe không đảm bảo không phát sinh lỗi, và chắc chắn mức hiệu năng tối ưu chưa thể đạt được.

Tương tự, Microsoft cũng đã có kế hoạch tung ra phiên bản Office dành cho M1, được phát triển dựa trên nền Office 2019 cho Mac nhưng chưa hé lộ thời điểm phát hành trên diện rộng.

Nhìn chung, những ứng dụng cho nền tảng M1 vào lúc này vẫn chủ yếu phục vụ mục đích trải nghiệm nhiều hơn là công cụ làm việc thực sự. Vì thế, dù háo hức đến mấy trước những chiếc máy tính Macbook mới, người dùng cũng nên kiên nhẫn chờ cho tới khi hệ sinh thái ứng dụng đi kèm thực sự hoàn chỉnh, đặc biệt là nếu có ý định dùng dòng máy này cho công việc. 


Nguồn: Báo Hà Nội Mới