Ngành bán dẫn hút sinh viên vì lương tăng vọt

Nhu cầu tuyển dụng cao trong ngành bán dẫn đẩy mức lương tăng gấp đôi trong vòng 5 năm, thu hút nhiều người tìm cơ hội.

Theo sách trắng được công bố bởi Trung tâm phát triển Công nghiệp thông tin và Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc (CSIA), ngành công nghiệp bán dẫn có thể thiếu hụt gần 200.000 lao động trong năm nay.

Một báo cáo khác được công bố hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy nhu cầu về nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc sẽ đạt gần 790.000 người vào năm 2024, gấp ba lần so với nguồn cung. Trong số này, 40% đến từ lĩnh vực thiết kế chip.

Hu Yunwang, quản lý một công ty tuyển dụng ở Thượng Hải, cho rằng sự mất cân bằng cung-cầu đã khiến mức lương khởi điểm của kỹ sư mới trong lĩnh vực sản xuất chip tăng gấp đôi so với năm 2018, lên tới 400.000 nhân dân tệ (1,3 tỷ đồng) mỗi năm. Vì thế, ngành này đang thu hút cả sinh viên tốt nghiệp các ngành học khác.

"Triển vọng của ngành công nghiệp chip rất hứa hẹn, trong khi việc làm cho kỹ sư phần mềm không còn tốt như trước", Clara Zhao, cử nhân khoa học vật liệu, hiện làm việc trong lĩnh vực phát triển vật liệu bán dẫn, nhận định.

Để đáp ứng nhu cầu, các khóa học ngắn hạn, cung cấp lộ trình nhanh xuất hiện, chủ yếu nhắm đến sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan.

Trên EeeKnow, nền tảng học do một cựu kỹ sư ở Thượng Hải sáng lập năm 2015, các lớp học như Xác minh và thiết kế giao diện Cortex-M3 MCU trong 60 ngày có giá khoảng 2.000-4.000 nhân dân tệ (6,8-13,6 triệu đồng).

Abner Zheng, cử nhân ngành khoa học vật liệu năm 2019 của một trường đại học ở Thành Đô, đăng ký khóa học này sau khi đọc một bài viết về cơ hội nghề nghiệp trong ngành bán dẫn. Hiện, anh làm cho một công ty sản xuất chip xử lý hình ảnh.

"Nếu không chuyển sang kỹ thuật vi mạch, chắc tôi đã phải tìm việc trong các ngành sản xuất truyền thống như ôtô hay máy móc. Tôi cảm thấy đó là những ngành nghề đang dần suy thoái, nên quyết định tận dụng làn sóng lớn đang đến với công nghệ bán dẫn", anh chia sẻ.

Các chương trình đại học và sau đại học về ngành bán dẫn cũng tăng liên tục từ năm 2018 đến 2022. Riêng học viên chương trình thạc sĩ tại 10 trường đại học hàng đầu đã tăng gần gấp đôi, lên gần 2.900 người.

Tuy vậy, nhiều sinh viên và chuyên gia đánh giá nội dung đào tạo còn ít thực hành khi so sánh với các cơ sở đào tạo tiên tiến ở Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ. Các giáo sư ở đại lục dường như chú ý đến xuất bản bài báo khoa học nhiều hơn là cập nhật phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với công việc trong phòng thí nghiệm hay công ty sản xuất chip.

"Sự hợp tác giữa các trường học và doanh nghiệp ở Đài Loan rất tốt. Chương trình sau đại học có thể kéo dài ba năm, nhưng người học chỉ cần dành nửa năm cho giảng đường", Wang Ziyang, blogger chuyên về việc làm ngành bán dẫn có hơn 90.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội Maimai, nói.

Khảo sát năm 2022 của công ty nghiên cứu ICWise cho thấy hơn 60% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ngành kỹ thuật chip không có kinh nghiệm thực tập.

Gần đây, xu hướng kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo bắt đầu xuất hiện ở bậc đại học. Hãng sản xuất chip lớn nhất của nước này, Semiconductor Manufacturing International Corp., đã đồng sáng lập Viện Vi mạch tích hợp ở Đại học Công nghệ Thâm Quyến. Tuy nhiên, theo nhiều người, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để Trung Quốc bù đắp sự thiếu hụt về nhân lực.

Nguồn: VnExpress