Mỹ lo Trung can thiệp mạnh bầu cử để thắng thương chiến

Giới tình báo Mỹ đang làm việc với các công ty công nghệ lớn của Mỹ gồm Facebook, Google, Microsoft và Twitter để thảo luận về chiến lược bảo đảm an ninh trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.

Ai muốn ông Trump không tái đắc cử?

Nathaniel Gleicher, người đứng đầu chính sách bảo mật của Facebook cho biết, mục đích của cuộc thảo luận này nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các công ty công nghệ và giới tình báo nhằm bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.

Các bên đã thảo luận về cách thức phối hợp để cải thiện phương thức chia sẻ thông tin và hợp tác ứng phó nhằm phát hiện tốt hơn và ngăn chặn các mối đe dọa.

Một người phát ngôn của Twitter cho biết các bên đã cam kết thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Theo một đại diện của Google, công ty đã có sự đầu tư lớn vào hệ thống nhằm phát hiện âm mưu tấn công, xác định sự can thiệp từ nước ngoài vào các nền tảng và bảo vệ các chiến dịch vận động tranh cử trước các vụ tấn công kỹ thuật số.

Trong khi đó, đại diện của Google nhấn mạnh công nghệ chỉ là một phần của giải pháp và đảm bảo an ninh bầu cử cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành công nghệ thông tin, các đơn vị bộ ngành và các đơn vị thực thi luật pháp.

Việc đặt ra các khả năng can thiệp bầu cử từ mạng xã hội đã "nóng" từ năm 2016 cho tới nay sau khi các nghị sĩ Mỹ cho rằng, Nga đã sử dụng quảng cáo trên mạng xã hội để can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tạo điều kiện cho ứng viên Tổng thống mà họ yêu thích là ông Donald Trump.

Dẫu Nga hoàn toàn phủ nhận cáo buộc này thì các công ty điều hành mạng xã hội cũng đã thấy những lỗ hổng nhất định và đang tìm cách để kiểm duyệt thông tin chặt chẽ hơn.

Vấn đề can thiệp bầu cử Mỹ "nóng" trở lại trong nhiều tháng qua liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.

Đến nay, ông Trump đang không ngừng sử dụng thuế quan để gây sức ép lên Trung Quốc với cáo buộc Trung Quốc mất công bằng thương mại với Mỹ và kéo các công ty Mỹ đầu tư ở Trung Quốc trở về Mỹ. Thuế quan càng nặng và liên tiếp càng cho thấy ông Trump đang ở giai đoạn nước rút.

Dù tuyên bố rằng Trung Quốc cần thỏa thuận thương mại hơn là Mỹ nhưng ông Trump không thể phủ nhận được giới đầu tư Mỹ đang mong chờ điều đó hơn ai hết.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ nhiều lần nhắc tới việc Bắc Kinh muốn chờ đợi sự thay thế hoàn toàn trên chính trường Mỹ mới có thể giải quyết cuộc chiến thương mại này. Ông hiểu rõ Bắc Kinh không muốn thỏa thuận mà muốn kéo dài cuộc chiến tranh thương mại tới năm 2020 để trông cậy một Tổng thống Mỹ có quan điểm nhẹ nhàng hơn.

Điều này càng thúc giục các quan điểm cho rằng, Trung Quốc có lý do để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và thay đổi kết quả để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Để trì hoãn chiến tranh thương mại, Trung Quốc được cho là đã dùng "con bài" giảm giá đồng nhân dân tệ - hành động bị Mỹ cáo buộc là "thao túng tiền tệ". Tuy nhiên, Bắc Kinh khó mà theo đuổi chiến thuật này một khi Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép.


Nguồn: Báo Đất Việt