Mỹ chặn Nga ở ngã 3 biên giới Syria-Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ chặn đường Nga tiếp cận ngã 3 biên giới

Các biện pháp trừng phạt hiện tại của Hoa Kỳ đã tìm cách cô lập Syria khỏi thế giới và bằng cách tiếp tục ngăn cảnh sát quân sự Nga và Syria tiếp cận khu vực quan trọng này, chính quyền Damascus buộc phải dựa vào vận tải hàng không và tuyến đường giao thông mặt đất nguy hiểm qua đường cao tốc Damascus-Baghdad.

Theo tin của al-Masdar News, “cuộc chiến tranh lạnh nhỏ” ở đông bắc Syria gần đây đã gia tăng căng thẳng, sau động thái quyết liệt của Hoa Kỳ ngăn chặn quân đội Nga tiếp cận khu vực tam giác biên giới chiến lược, nối liền Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.

Theo các báo cáo mới nhất từ tỉnh al-Hasakah ở đông bắc Syria, lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đã thiết lập các cuộc phong tỏa ở Quận Al-Malikiyah, nằm cạnh tam giác biên giới với tỉnh Mosul của Iraq và tỉnh Sirnak của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu vực này cực kỳ quan trọng bởi vì nó sẽ cung cấp cho cảnh sát quân đội Nga quyền tiếp cận khu vực chiến lược nối thông với với cả khu vực người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan Iraq.

Trước đây, cách duy nhất để người dân sống ở các khu vực của chính phủ Syria đi du lịch tới Kurdistan Iraq, đặc biệt là các tỉnh Nineveh và Erbil, là thông qua con đường vận tải hàng không.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận giữa Quân đội Ả Rập Syria (SAA) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF, nòng cốt là Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - YPG) hồi năm ngoái, Quận al-Malikiyah sẽ được cả quân đội Syria lẫn lực lượng người Kurd kiểm soát.

Lực lượng Mỹ ngăn chặn Nga tiếp cận tam giác biên giới Syria-Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra bởi quân đội Hoa Kỳ đã phong tỏa khu vực này, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã nhiều lần chặn cảnh sát Nga tiếp cận tam giác biên giới và thiết lập các điểm trú quân dọc theo ngã tư Simalka, nơi có cửa khẩu Simalka của Syria (tức cửa khẩu Faysh Khabur thuộc thành phố Zakho, tỉnh Dohuk của Iraq).

Đây là một cửa khẩu được cả chính quyền Baghdad và chính quyền Damascus coi là mục tiêu chiến lược phải kiểm soát, bởi nó là con đường duy nhất nối biên giới giữa Rojava (vùng kiểm soát do Lực lượng Dân chủ Syria ở Syria) và Khu tự trị của người Kurd Iraq (Kurdistan), chính quyền Ankara cũng muốn nắm được khu vực này để cắt đứt liên lạc giữa người Kurd Iraq và Syria với PKK (đảng Công nhân người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ).

Tầm quan trọng của tam giác biên giới al-Hasakah

Sau khi Nga triển khai hàng loạt điểm đóng quân ở al-Hasakah, Mỹ đã lập tức tái điều động lực lượng ở Iraq trở lại Syria, tái lập các căn cứ cũ để tìm cách kiềm chế, ngăn chặn Nga gia tăng hiện diện ở tỉnh đông bắc Syria. Vì sao Mỹ lại sốt sắng như thế?

Theo giới phân tích, việc Nga có ý định tiếp cận và kiểm soát tam giác biên giới 3 nước Syria-Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp chính quyền các nước Syria và Iraq đạt được những mục đích chiến lược sau:

Một là: Lập các vùng đệm phong tỏa sự kết nối giữa các khu tự trị của người Kurd Syria và Iraq; cắt đứt sự liên hệ giữa người Kurd ở các quốc gia láng giềng (gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ); cắt đứt con đường vận chuyển binh lực từ Syria sang Iraq và ngược lại, nhằm phòng ngừa khả năng người Kurd ở hai nước chi viện cho nhau, một khi xảy ra cuộc chiến giữa chính quyền trung ương ở với Rojava và Kurdistan. Mặt khác, điều này cũng phá tan mưu đồ liên kết lực lượng của người Kurd Trung Đông, nhằm hiện thực hóa giấc mơ lập quốc của họ.

Sau khi tuyến ống Kirkuk-Mosul-Syria bị cắt đứt, Iraq chỉ còn tuyến đường ống duy nhất sang Syria, Thổ Nhĩ Kỳ qua cửa khẩu Faysh Khabur/Simalka

Hai là: Kiểm soát việc Mỹ tự do qua lại Kurdistan và Rojava, cắt đứt tất cả các con đường vận chuyển vũ khí, trang bị của Mỹ cho Rojava Syria từ vùng Kurdistan Iraq, làm suy giảm sức mạnh của người Kurd Syria; giúp đỡ chính quyền Damascus trong cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát lãnh thổ với SDF. Trong trường hợp này, cách duy nhất để Hoa Kỳ di chuyển quân và vũ khí, trang bị giữa Syria và Iraq là bằng đường không, giảm khả năng can thiệp chính trị và quân sự của Mỹ vào công việc nội bộ của Syria và Iraq.

Ba là: Ngăn ngừa nguy cơ về một đường ống dẫn dầu xuyên Trung Đông, qua lãnh thổ người Kurd kiểm soát ở Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện nay, ở Iraq chỉ còn một tuyến đường ống dẫn dầu duy nhất chạy từ Iraq qua cửa khẩu Faysh Khabur sang Simalka – Syria và tới cảng biển Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi tuyến đường ống cũ của chính quyền Iraq (xây dựng vào những năm 1980) từ Kirkuk qua khu vực tỉnh biên giới Mosul, tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) phá hủy.

Do chỉ còn một tuyến đường ống độc đạo để sang Thổ Nhĩ Kỳ nên chính quyền Kurdistan đã quyết không giao cửa khẩu biên giới Faysh Khabur cho chính quyền trung ương Baghdad; còn Iraq cũng cương quyết thu hồi lại cửa khẩu này. Do đó, nếu Syria cũng làm điều tương tự thì dầu của người Kurd Iraq cũng như dầu của người Kurd Syria sẽ không thể bán được đi đâu.


Nguồn: Báo Đất Việt