Mong ước của giáo viên, gỡ nút dạy tích hợp lớp 6 như thế nào?

LTS: Năm học mới sắp bắt đầu, thầy cô chuẩn bị lên lớp dù dạy trực tuyến hay trực tiếp cùng học trò. Năm nay, dạy học liên môn ở lớp 6 đặt ra nhiều bài toán cần giải ngay.

Quý bạn đọc đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lự, một giáo viên ở Vĩnh Phúc. Bài viết này, thầy truyền tải tâm nguyện của các thầy cô khi triển khai vấn đề dạy học nêu trên.

Tòa soạn Giáo dục và Thời đại trân trọng giới thiệu cùng độc giả những chia sẻ, nguyện vọng này.

Bồi dưỡng chuyên môn hàng năm

Quyết định 2454 và 2455/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2021 làm dấy lên nhiều lo lắng cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 năm học 2021-2022.

Sự lo lắng của thầy cô dạy tích hợp lớp 6 đã được giải tỏa sau khi ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Đây chỉ là chương trình bồi dưỡng giáo viên hàng năm, không phải ngay cho số giáo viên dạy lớp 6 năm học này”. 

Về kinh phí, ông Đức khẳng định: "Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả.

Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí".

Còn nhiều thầy cô được phân công dạy lớp 6 băn khoăn là dạy theo từng môn hay kiêm môn trong mặt bằng thiếu giáo viên tại cơ sở?. Sau 4 năm nữa, các trường Sư phạm sẽ có giáo viên tích hợp?.

Ông Đức tiếp tục cho biết: “Còn hiện nay, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng kiến thức Lịch sử để có thể dạy được và ngược lại; ở đâu, chất lượng không đáp ứng được thì buộc phải phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp". [1]

Như vậy, theo ông Vũ Minh Đức, áp lực bồi dưỡng tín chỉ tích hợp và kinh phí, thời gian với các nhà giáo dạy lớp 6 đã không còn.

Các thầy cô tiếp tục chuẩn bị theo Kế hoạch năm học của địa phương theo thực tế cho phép.

Dạy kiêm môn thành quen

Thiếu giáo viên đứng lớp và chưa có giáo viên tích hợp là khó khăn nhất của hầu hết các địa phương hiện nay.

Với giáo viên trung học cơ sở, dạy kiêm môn thành quen và ai cũng hiểu và chấp nhận phân công.

Hiệu quả sẽ phụ thuộc vào nỗ lực và năng lực của mỗi thầy cô dạy kiêm môn.

“Năm học 2021 - 2022, khi triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6 thì tổng số giáo viên vẫn còn thiếu hụt khoảng 70.000 người.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bậc mầm non thiếu hơn 45.000 giáo viên, bậc tiểu học thiếu hơn 20.000, bậc trung học cơ sở thiếu hơn 13.000 và bậc trung học phổ thông thiếu hơn 9.000 giáo viên”.[2]

Hàng chục năm qua, nhiều trường Trung học cơ sở (THCS) khắp cả nước vẫn phải dạy kiêm môn, trừ trường tư thục tự chủ tài chính và giáo viên.

Với quỹ lương biên chế giáo dục hàng năm, các trường trung học cơ sở mới được đủ biên chế môn chính.

Nếu thừa và thiếu, nhà trường phải xoay sở, theo mặt bằng số tiết/tuần, bố trí giáo viên dạy kiêm môn.

Hầu như trường chỉ có 1-2 giáo viên các môn phụ (Lý, Hóa, Sinh, Địa, Sử. Giáo dục công dân, Thể dục…).

“Quan điểm chung là chia môn thiếu, luân phiên đảm nhận, ai cũng phải dạy, dạy nhiều thành quen - một Hiệu trưởng trung học cơ sở ở huyện Vĩnh Tường cho biết.

Thầy cô chính môn được giao dạy học sinh giỏi, lớp chọn.

Thiếu biên chế buộc thầy cô chúng mình phải dạy kiêm Văn - Sử, thậm chí trái môn như Hóa - Địa, Lý – Địa, Toán -Thể dục...”.


 Cô trò trung học cơ sở Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên tích cực ôn tập (tháng 3/2021). Ảnh: VL

Về bản chất, kiến thức tích hợp trong sách giáo khoa lớp 6 mới vẫn riêng từng môn, hoặc tích hợp ở mức độ nông.

Còn kỹ năng và phương pháp, kinh nghiệm thì trong một chủ thể thầy cô.

Mặt khác, kiến thức tích hợp liên môn không phải mới hoàn toàn.

Hàng năm qua thi học sinh giỏi liên môn, thi khoa học kỹ thuật, tập huấn dạy liên môn, từ chục năm lại đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp các nhà giáo làm quen kiến thức và phương pháp dạy liên môn.

Gỡ nút từ trường

Thầy Nguyễn Công Cao, Phó Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Vĩnh Yên, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho biết: “Trường có 1 giáo viên Địa nên phải hợp đồng hoặc dạy kiêm môn. Các môn Khoa học Xã hội vẫn thiếu nhiều hơn Khoa học Tự nhiên. Khó khăn nhất là dồn giờ khi có ai nghỉ ốm, thai sản hoặc đi tập huấn sẽ không biết dạy bù vào thời gian nào.

Với lớp 6, thầy cô của trường đã được tập huấn Modul 1,2,3,4 về Chương trình và sách giáo khoa mới, làm quen với những điểm mới của Chương trình nên cũng không có trở ngại gì. Trước mắt, ai môn nào vẫn dạy theo môn đó, theo sách giáo khoa”.

Cô giáo dạy Địa trung học cơ sở ở Vĩnh Phúc (xin không nêu tên) đang học lớp Cử nhân tại Đại học Hùng Vương, cho rằng: “Chúng em thấy khó nhất là soạn giáo án theo yêu cầu mới, chi tiết quá, dài quá. Nếu chúng em phải đi học bồi dưỡng chuyên môn, xa gia đình con cái trong khi dịch bệnh chưa dứt thì biết làm sao?

Mong muốn của em và đồng nghiệp là Bộ Giáo dục cần cho phép linh hoạt giáo án và tự học, học trực tuyến để giảm học trực tiếp tại trường đại học”.

Một giáo viên Lịch sử dạy trường trung học cơ sở chất lượng cao của Tam Dương (xin không nêu tên) cho biết thêm: “Trường nào cũng sẽ chọn thầy cô có năng lực dạy lớp 6 mới. Vĩnh Phúc đã chọn bộ sách Kết nối Tri thức, theo tôi, thầy cô sẽ mất thời gian công sức soạn giáo án nhưng bù lại dễ sử dụng. Kiến thức giao thoa các tiết chung hoặc tiết Giáo dục địa phương sẽ giúp thầy cô quen dần dạy tích hợp.

Nếu học bồi dưỡng theo Quyết định 2454 và 2455, học phí và thời gian, hình thức học có hướng dẫn cụ thể nhưng tôi đồng tình với kiến nghị của nhiều thầy cô, là cấp trên làm sao để giáo viên đỡ khó khăn và tốn kém nhất”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Oanh, Tổ trưởng tổ Xã hội, trường Trung học cơ sở Yên Lạc, Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho biết: “Giáo viên dạy kiêm môn cũng nhiều thuận lợi, tiếp cận kiến thức và kỹ năng. Dạy kiêm cùng lĩnh vực Khoa học Xã hội hay Tự nhiên còn dễ, dạy trái môn mới khó.

Anh chị em cận kề năm học, soạn Kế hoạch giáo dục mà vẫn chưa có sách giáo khoa để nghiên cứu và soạn giáo án. Thiếu giáo viên, nên việc phân công dạy, thời khóa biểu và thiếu trang thiết bị cho lớp 6 thật sự căng với mỗi nhà trường và giáo viên.

Tất nhiên, trong khó khăn, chúng em vẫn đã và đang tiếp tục tìm hiểu, tự học, thảo luận và hoàn thiện các công việc cho năm đầu tiên thực hiện cải cách Giáo dục theo Chương trình mới thành công.”

Năm học mới đang rất gần, mong sao dịch Covid-19 sớm tan, cuộc sống trở về bình thường mới và thầy trò lại tới trường để cùng nhau dạy và học đạt hiệu quả  cao nhất.

Nguồn GDTĐ