Hà Tĩnh: Những quan điểm trái chiều về mỏ sắt Thạch Khê

Nên hay không nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) đang là chủ đề được dư luận quan tâm với những ý kiến trái chiều khác nhau.

Mới đây Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động lại dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Phía TKV cho biết, số tiền tập đoàn này và các nhà đầu tư góp vào dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê đã lên 1.800 tỷ đồng và điều chỉnh dự án theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền nhưng từ cuối năm 2021, dự án này đã phải dừng lại.

Trong văn bản gửi Chính phủ, TKV cũng diễn giải là phía Bộ Chính trị đã có nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế- xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), hoàn thành trước năm 2030.

Chính vì thế, TKV đã có kiến nghị gửi Chính phủ cho phép tái khởi động dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê. Phía đơn vị này khẳng định đã có giải pháp phù hợp, xử lý môi trường cũng như đánh giá được hiệu quả kinh tế đối với dự án này.

Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)

Sau thông tin trên thì dư luận đã có những phản ứng trái chiều khác nhau. Đặc biệt về phía chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, họ quyết tâm bảo vệ quan điểm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì lo ngại những hậu quả lớn gây ảnh hưởng đến môi trường sống của địa phương.

“Mặc dù phía chủ đầu tư đề nghị khai thác nhưng Hà tĩnh vẫn dứt khoát với quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ Thạch Khê vì lo ngại công nghệ khai thác chưa hiện đại, vẫn kiểu truyền thống sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống xung quanh”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải chia sẻ với Báo Lao động.

Đồng quan điểm với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong bài viết gần đây trên Tạp chí Nhà đầu tư chia sẻ:

“Khai thác mỏ sắt Thạch Khê là mong ước của nhiều thế hệ lãnh đạo Hà Tĩnh cũng như Trung ương. Trước đây chúng ta đã mời Nga, rồi cả Đức về khảo sát thăm dò. Mọi kệ hoạch đều làm công phu nhưng rồi phải dừng lại. Về phía Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, họ cho rằng không thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì nhiều lí do, nhưng cơ bản nhất là vấn đề môi trường. Với trình độ hiện nay như chúng tôi biết là chưa thể làm được. Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên bãi cát cách bờ biển 500m, sẽ dẫn tới rủi ro lớn về môi trường, trong khi chưa có hướng giải quyết."

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Đặng Duy Báu

Theo ông Đặng Duy Báu, Mỏ sắt Thạch Khê nằm sát biển với mức sâu âm mấy trăm mét so với mặt nước, khi khai thác liên quan đến vấn đề xâm mặn, ô nhiễm nguồn nước. Ở các tầng đất từ 15 m trở xuống có những dòng nước ngầm chảy rất mạnh, nếu hút lên sẽ làm sa mạc hóa một vùng bán kính trên 30km, ngoài các vùng lân cận còn ảnh hưởng đến cả TP. Hà Tĩnh. Lượng cát thải và hiện tượng cát bay làm ô nhiễm cả một vùng nếu như thực hiện khai thác...

Những năm đầu thập kỷ 90, đoàn chuyên gia Đức khi lấy mẫu tại mỏ sắt Thạch Khê để nghiên cứu, họ kết luận, mỏ có hảm lượng kẽm cao hơn bình thường nên phải chờ công nghệ mới, chi phí luyện thép đội giá thành lên sẽ không mang tới hiệu quả kinh tế. Trong khi đó khai thác sẽ ảnh hưởng đến vùng dân cư rộng lớn nên không thể khai thác.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại khi khoa học công nghệ đã tiên tiến hơn thì việc tiến hành khai thác mỏ sắt Thạch Khê là việc cần thiết, nhằm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Anh Nguyễn Linh, một người dân Hà Tĩnh chia sẻ trên Báo Công thương:

“Tài nguyên khoảng sản vốn dĩ sinh ra để con người khai thác và sử dụng. Từ thời đại đồ đồng đồ sắt đã chứng minh điều đó, và khoáng sản nằm trong lòng đất nếu ta không khai thác thì vẫn chỉ là một đống vô tri vô giác hoàn toàn không có giá trị. Ngân sách nhà nước đổ dồn vào đầu tư thăm dò, lập kinh phí dự án. Nếu dừng lại thì thiệt hại ngân sách vô cùng lớn, lãng phí rất nhiều tiền của của nhân dân. Hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã treo trên đầu họ hơn 10 năm không có phương án giải quyết. Thêm nữa, nhu cầu nguyên liệu quặng để sản xuất trong nước, hiện nay chúng ta đang phải nhập khẩu một số lượng lớn quặng sắt từ nước ngoài. Trong khi trong nước chúng ta có mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á thì đang phải nằm đắp chiếu".

Nên hay không nên khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang là chủ đề được bàn luận với những ý kiến trái chiều khác nhau

Anh Nguyễn Linh chia sẻ thêm, việc đưa kiến nghị dừng khai thác mỏ Thạch Khê là ý kiến ngại khó, thiếu tính khoa học cũng như sợ trách nhiệm, cũng như tư duy nhiệm kỳ. Bởi ai cũng biết rằng hiện nay nhiệm kỳ của mỗi lãnh đạo thường 5 năm và họ thường e ngại những dự án liên quan tới vấn đề môi trường, và với tư duy không làm không sai như hiện nay thì việc địa phương không mặn mà với dự án mỏ sắt Thạch Khê là điều dễ hiểu.

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Khu vực này nằm cách TP. Hà Tĩnh 8 km về phía Đông, cách bờ biển Đông 1,6 km.

Giai đoạn 2008-2011, công nhân đã bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi 3.000 tấn quặng. Dự án sau đó gặp vướng mắc về huy động và góp vốn, dẫn đến hàng loạt hệ lụy, như chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư. Tháng 11/2021, Chính phủ cho dừng dự án để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, cơ cấu lại cổ đông.

Nguồn: http://antt.nguoiduatin.vn/ha-tinh-nhung-quan-diem-trai-chieu-ve-mo-sat-thach-khe-340927.htm