Góc khuất đen tối phía sau trào lưu kéo nhau bỏ việc ở Mỹ

Mỹ bùng nổ phong trào anti-work - người lao động kéo nhau nghỉ việc, thực trạng này bóc trần góc khuất đen tối từ một sai lầm cố hữu trong xã hội.

Doreen Ford đã dành 10 năm làm việc trong các cửa hàng bán lẻ ở khu vực Boston và Ford rất ghét công việc này.

Năm 2017, khi bà của Ford gợi ý rằng cô nên từ bỏ hoàn toàn công việc quen thuộc của mình và kiếm sống từ tình yêu với động vật, Ford đã nghe theo lời khuyên đó. Cô dắt chó đi dạo như một công việc bán thời gian. Nhưng kể từ đó, Ford không còn làm một công việc chính thức nào và cô cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Ford là một trong những người tiên phong của phong trào "anti-work". Phong trào này khuyến khích mọi người làm việc ít nhất có thể hoặc từ bỏ công việc của mình để tự kinh doanh hoặc ưu tiên thời gian giải trí.

Ford cũng là người điều hành nhóm anti-work trên diễn đàn Reddit. Khi cuộc khủng hoảng đại dịch khiến nhiều người phải đánh giá lại công việc của mình, số thành viên của nhóm tăng từ 180.000 trong tháng 10/2020 lên đến 1,6 triệu trong tháng 1/2022.

Bộ Lao động Mỹ ngày 4/1 báo cáo rằng có rất nhiều người Mỹ bỏ việc trong năm 2020, trong đó có tới 4,5 triệu người nghỉ việc trong tháng 11. Đây là tỷ lệ nghỉ việc cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi từ năm 2001. Dữ liệu cho thấy nhiều nhân viên có thể đã bỏ việc sau khi nhận được những đề nghị tốt hơn.

Nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, cho thấy một số người lao động vẫn chưa quay trở lại, mặc dù cơ hội việc làm cao kỷ lục.

Nhiều người có thể còn đang tập trung vào trách nhiệm chăm sóc sức khỏe hoặc sợ bị mắc Covid-19. Nhưng một số người dường như "vỡ mộng" với những cơ hội việc làm thông thường trong thời đại dịch.

Con số những người không muốn quay trở lại làm việc đủ khiến ngân hàng Goldman Sachs đưa ra cảnh báo rằng phong trào anti-work gây ra rủi ro lâu dài cho việc tham gia vào lực lượng lao động.

Ford cho rằng có rất nhiều vị trí việc làm không hề có ý nghĩa gì và không cần thiết phải tồn tại. "Những người lười biếng" như các thành viên của phong trào anti-work hầu như đều tin rằng mọi người nên làm ít nhất có thể và làm những gì tốt cho bản thân.

Nhiều người đã nghỉ việc cho biết họ đang điều hành một công việc kinh doanh riêng hoặc làm việc ít giờ nhất có thể đủ để sống. Ford cho biết một số người khác thì ở ghép hoặc đi lượm nhặt đồ ăn thừa để giảm chi phí sinh hoạt.

Phong trào anti-work giống như xu hướng "nằm thẳng" ở Trung Quốc, một xu hướng phổ biến trong thế hệ thiên niên kỷ, nơi họ từ bỏ sự nghiệp đầy tham vọng để ủng hộ một cuộc sống đơn giản hơn.

Những câu chuyện được chia sẻ trên diễn đàn mở ra một góc khuất đen tối thậm chí gây sốc trong mối quan hệ giữa chủ lao động và nhân viên. Nhiều người đã từng phải làm việc quá sức, bị đối xử tệ, bị trả lương thấp hoặc bị đe dọa. Những bài đăng nổi tiếng nhất là ảnh chụp màn hình của những tờ đơn xin nghỉ việc và các đoạn tin nhắn văn bản.

Các nhà kinh tế cho rằng hầu như không thể đo lường được sự thay đổi thái độ về công việc ảnh hưởng đến thị trường lao động thế nào. Nhưng sự thay đổi văn hóa có thể giúp giải thích một số điều khó hiểu của thị trường. Các nhà tuyển dụng từ Tyson Foods đến FedEx đều phàn nàn rằng họ không thể tìm đủ nhân công mặc dù đã đưa ra mức lương cao hơn.

Một làn sóng đình công của các công nhân vào năm ngoái đã buộc nhiều chủ sử dụng lao động phải cung cấp quyền lợi tốt hơn sau nhiều năm lương trì trệ và những lo ngại về rủi ro sức khỏe trong thời kỳ đại dịch.

Sự bùng nổ của phong trào anti-work cho thấy những sai lầm đã tồn tại rất lâu trong xã hội. Mọi người thường coi sự chăm chỉ và thành công trong kinh doanh là thành tích đỉnh cao. Những người tận tụy với công việc được ca ngợi nhiều hơn những người tận tâm với gia đình và đam mê bản thân.

Với tính tích cực của mình, nhóm anti-work cho thấy suy nghĩ của một số người về cách có thể đạt được một cuộc sống tự do và thoải mái làm việc. Anti-work không có nghĩa là mọi người lười biếng không muốn kiếm tiền, nhưng phong trào này giúp phơi bày tiêu cực mà xã hội đặt ra đối với người lao động. Mọi người đơn giản chỉ là tìm kiếm những người chủ tốt hơn và tìm lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Ford nói: "Hầu hết chúng ta chỉ là những con người bình thường. Chúng ta có những công việc mà mình không thích. Và đó là toàn bộ lý do để chúng tôi tham gia vào phong trào".

Nguồn: https://vtc.vn/goc-khuat-den-toi-phia-sau-trao-luu-keo-nhau-bo-viec-o-my-ar656918.html