Gia tộc 4 đời nặng nợ với cải lương

Nhưng hãng đĩa của gia tộc ông Lê Văn Tài không chỉ nâng đỡ, phát triển tân nhạc Việt mà còn góp phần rất lớn để phát triển và gìn giữ bộ môn nghệ thuật cải lương. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Phạm Công Luận, ông Lê Văn Tài sinh năm 1895 tại Sa Đéc, được cha đã truyền cho nghề kim hoàn nhưng ông không thích mà lại hướng sự đam mê với công việc buôn bán radio. Năm 1927 cùng với vợ là bà Ngô Thị Mão, ông Tài mở tiệm kinh doanh máy hát, đĩa hát. Nhờ biết nắm bắt thị trường và có người vợ khéo léo quảng giao nên rất hút khách, tiệm của ông làm ăn khá phát đạt. Tới năm 1944 khi bà Ngô Thị Mão mất, ông Lê Văn Tài vì thương nhớ vợ, biết vợ từng mê cải lương nên đã chuyển từ nghề kinh doanh đĩa và máy hát sang lĩnh vực sản xuất đĩa hát. Vì thế năm 1947, hãng đĩa Lê Văn Tài chính thức được thành lập.

Ông Lê Văn Tài có 6 người con đều tham gia nhiều công đoạn của hãng đĩa, trong đó người con gái thứ 5 là Lê Ngọc Liên (Còn gọi là Sáu Liên) sinh năm 1932 tỏ ra nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường nghệ thuật để định hướng kinh doanh. Từ hãng đĩa Lê Văn Tài, nhiều nghệ sỹ đã lựa chọn để lưu giữ giọng ca vàng của mình như nghệ sỹ Tám Thưa, Minh Chí, Năm Phỉ, Phùng Há... hay tiếng đờn, vở diễn của Viễn Châu....

Năm 1968, sau khi cha mất bà Sáu Liên tiếp tục theo con đường cha đã chọn. Theo đánh giá của giới nghệ sỹ ngày đó, tuy Sài Gòn có nhiều hãng đĩa, thậm chí có những hãng đã có thâm niên trong việc kinh doanh băng đĩa nhưng hãng đĩa Việt Nam vẫn luôn được các nghệ sỹ đánh giá cao hơn bởi sự tài năng và tính chuyên nghiệp. Dù không phải nghệ sỹ nhưng bà Sáu Liên có con mắt tinh tường để nhận ra giọng ca nào sẽ nổi trong tương lai, nhận ra giọng ca nào phù hợp với vai diễn nào. Thậm chí bà còn đặt các soạn giả viết tuồng theo kiểu “Đo ni đóng giày” cho từng giọng ca. Vì thế các nghệ sĩ nổi tiếng ngày đó như: Út Trà Ôn, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Phượng Liên, Thành Được, Bạch Tuyết, Diệu Hiền... đều lần lượt đầu quân về hãng đĩa Việt Nam để trở thành nghệ sĩ độc quyền của bà Sáu Liên. Đặc biệt 2 giọng ca trẻ là Chí Tâm, Thanh Kim Huệ… cũng nhờ hãng đĩa Việt Nam lăng xê thông qua vở cải lương kinh điển Lan và Điệp để trở thành những giọng ca hàng đầu của cải lương Việt.

Hãng đĩa Việt Nam trước 1975

Không chỉ thu âm các vở cải lương, bà Sáu Liên còn là người đầu tiên mở in các tập tuồng, các bài ca cổ lên giấy. Những cuốn sách in lời cải lương thường mỏng và bán giá rất rẻ.... Theo ý bà, băng đĩa chỉ có giới trung lưu trở lên mới mua được, còn người nghèo thì chỉ được nghe cải lương qua radio. Nhưng chỉ cần bỏ ra số tiền nho nhỏ, người nghèo cũng có thể mua thêm một tập lời cải lương để có thể đàn hát, luyện ca. Sách in lời cải lương của hãng đĩa Việt Nam bán rất chạy, tiếp thêm sức để rất nhiều người có thể tiếp cận, thêm yêu cải lương.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Sáu Liên vẫn quyết giữ lửa nghề. Bà đã liên kết với một số đơn vị nhà nước để phát lại những giọng ca, vở diễn cải lương trong bộ sưu tập băng đĩa mấy chục năm của hãng. Các giọng ca hàng đầu của cải lương một thời được khán giả sau này biết đến cũng nhờ công sức của bà. nhiều vở diễn hay như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển... cũng được in và phát hành trở lại. Bên cạnh đó, bà Sáu Liên còn tiếp tục lăng xê các giọng ca mới như Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên...

...

Hiện nay do nghề thu âm phát hành băng đĩa nhạc không còn phát triển, hãng đĩa của bà Sáu Liên cũng không còn nhiều hoạt động. Căn nhà 82 Hồ Tùng Mậu- Nơi đặt trụ sở hãng đĩa một thời giờ đã cho thuê. Bà Sáu Liên giờ đã cao tuổi, mọi công việc điều hành bà giao cho con gái là Nguyễn Ngọc Loan. Chị Loan cho biết hiện gia đình chị còn lưu trữ khá đầy đủ các băng đĩa được thu âm từ trước đây. Trong đó có những bản ghi của các nhạc sỹ như Văn Vĩ, Năm Cơ, Chín Trích, Hai Thơm, Sáu Tửng, Tư Huyện… thể hiện hay các vở tuồng của các soạn giả như Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Năm Châu, Viễn Châu, Mộc Linh, Điêu Huyền, Thu An, Nhị Kiều, Nguyễn Phương, Yên Lang... cùng những giọng ca vàng qua các thời kỳ. Chị Loan nói: “Hiện nay chúng tôi đã số hóa tất cả các bản thu ngày xưa và cũng đưa lên Internet một phần để dành cho những người yêu nghệ thuật cải lương. Má tôi luôn dặn các con phải trân quý cơ nghiệp của gia đình, phải lưu trữ lại những di sản để đời sau, để thế hệ trẻ biết nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu cải lương một thời hưng thịnh”.

Chị Loan còn cho biết con gái chị là Bảo Châu cũng rất đam mê với cải lương. Tuy còn rất trẻ nhưng Bảo Châu đã thuộc rất nhiều tích tuồng. Cháu rất tự hào về những gì mà gia tộc đã làm và muốn mai này sẽ là thế hệ bước tiếp con đường của gia tộc, gìn giữ di sản cải lương mà các thế hệ đi trước đã tạo nên”.


Nguồn: Báo Tiền Phong