Dựng lại thảm án Lệ Chi Viên, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đưa ra góc nhìn khác về bà Nguyễn Thị Lộ

Đây không phải lần đầu tiên, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng vở về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Trước đó, chị từng ra mắt khán giả vở “Vằng vặc Sao Khuê” và “Vua thánh Triều Lê” khắc họa cuộc đời ông.

Lần này bắt tay vào dựng vở về người vợ yêu của Nguyễn Trãi, đạo diễn đã gặp không ít áp lực. Mà áp lực lớn nhất là không lặp lại chính mình. Hai lần thành công trước là cái bóng bao phủ lên ê kíp dựng vở lần này. Nếu không đủ can đảm để dấn thân và thử nghiệm các thủ pháp nghệ thuật mới, coi như vở diễn đã thất bại ngay từ khi chưa khai màn.

Hình ảnh chiếc chiếu được sử dụng xuyên suốt trong vở diễn

Vì vậy, ngay ở cảnh diễn đầu tiên, Hoàng Quỳnh Mai đã đề cập ngay tới thảm án Lệ Chi Viên. Xuyên suốt trong vở diễn, hình ảnh ước lệ những chiếc chiếu được sử dụng đậm đặc đã tạo không gian thuần Việt, khác lạ và ấn tượng đặc biệt cho người xem “Bên ánh Sao Khuê”.

"Bước vào "thánh đường" là những thứ hương thơm của đồng quê, của nào rơm nào rại, rất thuần Việt. Tôi nghĩ rằng mình làm thế này không giống bất cứ một vở diễn nào về hai nhân vật lịch sử trước đó", đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ. Hơn nữa, bản thân đạo diễn rất có cơ duyên với nhân vật. Với vở diễn này, chị muốn giải oan cho Nguyễn Thị Lộ.

Nhan sắc của bà Nguyễn Thị Lộ khiến nhà vua si mê

"Tôi nghĩ, hai con người này, 1 người là danh nhân văn hóa thế giới, người bên cạnh cũng không kém, họ là những nhà văn hóa", NSND Hoàng Mai nhấn mạnh.

Ở vở diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai không chủ tâm khai thác những sự kiện lịch sử trong cuộc đời Nguyễn Trãi mà thông qua mối quan hệ của ông trong vương triều Nhà Lê để khai thác câu chuyện tình yêu giữa ông và bà Nguyễn Thị Lộ. Bà là một nhân vật có ảnh hưởng khá lớn đối với vua Lê.

Thiết kế sân khấu thay đổi cùng với tạo hình mới của chiếc chiếu

Xuất thân từ cô gái bán chiếu, Nguyễn Thị Lộ được Nguyễn Trãi yêu và trọng về tài, sắc. Bà cũng được vua Lê Thái Tông coi trọng và phong cho làm Lễ nghi học sĩ. Trong một lần đi tuần, vua ghé Lệ Chi Viên, nơi Nguyễn Trãi về ở ẩn và mất tại đó. Bị giáng tội giết vua, Nguyễn Thị Lộ bị dìm nước cho đến chết và Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc, trở thành một trong những thảm án lớn trong lịch sử thời Lê.

Dựa trên sự kiện lịch sử này, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã phóng tác và tạo nên hình ảnh đẹp về bà Nguyễn Thị Lộ, một người phụ nữ tài năng và sắc nước nghiêng trời. Ở bà toát lên vẻ đẹp của trí tuệ, uyên bác, một sự nghiêm cẩn, chuẩn mực của người thầy. Đồng thời lại mang vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của một người phụ nữ.

Không gian sân khấu thuần Việt của "Bên ánh Sao Khuê"

Đặc biệt, vai diễn Nguyễn Thị Lộ đã được giao cho diễn viên trẻ Thùy Dung. Cô đã làm "tròn vai" với giọng ca mượt mà và dung mạo bắt mắt. Còn NSƯT Mạnh Hùng (vai Nguyễn Trãi) đã thể hiện thành công cốt cách, nghĩa khí của một danh nhân văn hóa.

Theo đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, vở diễn là một lát cắt nhằm giúp hậu thế hiểu về nỗi oan mà gia đình Nguyễn Trãi đã phải gánh chịu, đặc biệt là người vợ của ông, bà Nguyễn Thị Lộ.


Nguồn: Báo ANTĐ