Đưa tiếng Anh ra đảo

Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sinh viên tình nguyện ĐH Luật Hà Nội đã mang tiếng Anh và kiến thức pháp luật vươn khơi ra đảo đến với các em nhỏ qua dạy học trực tuyến.

Đều đặn thứ Ba và thứ Sáu mỗi tuần, Đỗ Mỹ Lệ (SN 2002, quê Hưng Yên) - thành viên đội sinh viên tình nguyện dạy tiếng Anh ĐH Luật Hà Nội, dành thời gian ưu tiên lên lớp. Buổi học diễn ra từ 19h30 đến 21h trên không gian mạng.

Lệ ở Hà Nội, còn học trò ở huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Trên màn hình máy tính chi chít các ô, mỗi ô tương ứng với một học sinh. Bắt đầu buổi học, "cô giáo" Lệ thường mang đến những câu đố, trò chơi vui nhộn dành cho các em để tạo sự tương tác và không khí hứng khởi. Nội dung các bài học được thiết kế theo những chủ đề gần gũi với đời sống và ý nghĩa như dịch COVID-19, môi trường... Đồng thời, Lệ cũng lồng ghép hình ảnh minh họa sinh động, nhằm giới thiệu các từ, câu ngắn gọn, đơn giản về ngữ pháp. "Các bạn nhỏ rất dễ thương. Chúng tôi đã có những buổi học đầy vui vẻ và thú vị", Lệ chia sẻ.

Trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2021, tuổi trẻ ĐH Luật Hà Nội còn có nhiều hoạt động hướng ra đảo như gây quỹ hỗ trợ, tặng nhu yếu phẩm tới những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tại huyện đảo Cát Hải; xây dựng công trình sinh viên, xây sửa nhà cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Luật Hà Nội Nguyễn Kim Hùng cho biết, hoạt động dạy tiếng Anh và tuyên truyền pháp luật là hoạt động thường niên gắn với chiến dịch tình nguyện hè của Hội Sinh viên nhà trường. Năm nay, lớp tiếng Anh không chỉ dành cho các em nhỏ ở quận Đống Đa (Hà Nội) mà còn vươn ra huyện đảo Cát Hải, với hình thức online phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19. Lớp diễn ra trong tháng 8 và đến hết tháng 9. Đội hình dạy tiếng Anh được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 5 - 10 thành viên phụ trách giảng dạy, kỹ thuật.

Để tổ chức lớp học, anh Hùng đã kết nối, phối hợp với Huyện Đoàn Cát Hải để thống kê học sinh tham gia học, hướng dẫn các em đăng nhập qua link Zoom tham gia lớp học. Đồng thời, lên kế hoạch, phân công lịch dạy. Theo đó, tối thứ 3 và 5 mỗi tuần dạy học sinh lớp 3 là đối tượng chưa được tiếp cận tiếng Anh; tối thứ 4 và 6 dành cho học sinh lớp 6, đã được học tiếng Anh. Lớp học có trung bình từ 15-20 em.

Ngoài tiếng Anh, đội còn có những buổi tuyên truyền pháp luật về ma tuý, nạn xâm hại trẻ em hay bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ đó, các em có thể tự biết cách bảo vệ bản thân; cũng như giúp các em định hình hiểu đúng vai trò của mình và hiểu những vấn đề cơ bản trong xã hội.

Nguồn GDTĐ