Đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh: Đồng bộ đổi mới
Cùng với việc đẩy mạnh đổi mới giáo dục tạo đà triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường học đã đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học
Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá
GV Trường THPT Lý Sơn (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) có thể miễn kiểm tra một tiết đối với HS có quá trình học tập tốt, thể hiện ở các bài tập nhóm, bài tập lớn hoặc quá trình tham gia xây dựng bài trên lớp. Việc đánh giá dựa trên sự phát triển đã động viên, khuyến khích HS nỗ lực hơn nữa trong quá trình học tập.
Đổi mới trong phương pháp kiểm tra, đánh giá, Trường THPT Lý Sơn còn thực hiện kiểm tra một tiết các môn học theo đề chung cho toàn khối. Thầy Lư Quốc Trung – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết: Kiểm tra theo đề chung được tiến hành nghiêm túc, ngồi theo phòng thi gần như thi tốt nghiệp và cũng chấm điểm theo phòng thi. “Tổ chức thi, kiểm tra chung, đánh giá đúng thực chất đã tạo động lực cho GV trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tiến tới nâng cao chất lượng giáo dục. Việc làm này cũng góp phần hạn chế hiện tượng GV “ép cua” để dạy thêm, dạy kèm”, thầy Trung cho biết.
Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), ngoài cách tổ chức kiểm tra 15 phút, kiểm tra bài cũ như truyền thống, cột điểm này của HS có thể được lấy từ các bài tập chuyên đề, nhóm… Cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Từ các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ngoại khóa, bài tập chuyên đề… HS có cơ hội thể hiện cũng như phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân. Vì vậy, nhà trường khuyến khích GV có những đánh giá, lưu ý trong quá trình tổ chức hoạt động này để chấm điểm cho HS bên cạnh việc tổ chức kiểm tra theo hình thức truyền thống”.
Thầy Phan Tiến Dậu (GV Trường THPT Trần Phú) thường xuyên chấm điểm HS qua chuyên đề, hoạt động trải nghiệm. Chuyên đề dạy học dự án STEM “Những cây cầu trên sông Hàn” cho lớp 10/1 với 4 nhóm HS theo định hướng nghề nghiệp là ví dụ. Với nhóm dự án 1: Em là kĩ sư xây dựng (cầu đường bộ) có nhiệm vụ thiết kế, xây dựng mô hình một cây cầu qua sông Hàn để giải quyết vấn đề quá tải của các cây cầu mới hiện nay.
Nhóm dự án 2: Em là kĩ sư điện thông minh có nhiệm vụ thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị sản xuất điện năng chiếu sáng hệ thống đèn trên cầu tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Nhóm dự án 3: Em là kĩ sư hóa học có xây dựng kế hoạch mạ đồng cho kim loại chống sự oxy hóa cho công trình cầu. Nhóm dự án 4: Em là hướng dẫn viên du lịch thiết kế công cụ (website) giới thiệu vẻ đẹp của các cây cầu trên sông Hàn để quảng bá cho các du khách trong và ngoài nước khi chưa có điều kiện tới Đà Nẵng.
Với chuyên đề này, HS sẽ được đánh giá, chấm điểm thay cho bài kiểm tra một tiết. “Để có thể chấm điểm cho từng HS, GV soạn một bộ tiêu chí với những thang đánh giá cụ thể. Có 2 kênh để đánh giá: HS đánh giá lẫn nhau và GV đánh giá dựa trên những hoạt động của HS. Mỗi thành viên trong nhóm đảm nhiệm một vài công việc dựa trên hoạt động của nhóm. HS làm việc nhóm và cá nhân theo kế hoạch. Sau khi giao nhiệm vụ, phát tài liệu hỗ trợ và hướng dẫn các nhóm nghiên cứu, GV theo dõi, đôn đốc, xử lý thông tin phản hồi qua gặp gỡ trực tiếp, email, nhóm chat Facebook để kiểm tra tiến độ thực hiện dự án” – thầy Dậu thông tin.
Học sinh tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm
Cô Dương Thúy Vy - GV Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay: Đầu năm học, nhà trường có tiêu chí xét hạnh kiểm HS để phát cho các em. Trên cơ sở đó, tổ trưởng, tổ phó sẽ chịu trách nhiệm theo dõi tổ viên trên các mặt nền nếp học tập, tác phong, kỷ luật…; các tổ trưởng, tổ phó sẽ do ban cán sự lớp theo dõi đánh giá, riêng ban cán sự lớp do tổ trưởng, tổ phó theo dõi, đánh giá như các tổ viên khác trong tổ. “Hàng tháng, các bạn sẽ đề nghị mức hạnh kiểm của thành viên trong tổ theo tiêu chí. Em nào vi phạm nhiều lần như nói chuyện riêng, ngủ trong giờ học, xin đi ra ngoài nhiều lần trong giờ học, không học bài cũ, quên vở…, GV chủ nhiệm sẽ liên hệ với phụ huynh qua tin nhắn giáo dục hoặc trao đổi qua điện thoại”.
Một năm học, Trường THCS Tây Sơn có 4 lần xếp loại hạnh kiểm: Giữa học kỳ I-II, học kỳ I và cuối năm học. Theo cô Thúy Vy, qua đối chiếu, sổ theo dõi đánh giá của HS gần như sát với những thông tin tại sổ ghi đầu bài và nhận xét của giáo viên bộ môn. “Nhiều HS trong giờ học do GV chủ nhiệm dạy thì ngoan nhưng giờ học do giáo viên bộ môn đứng lớp lại không chấp hành nội quy, nói chuyện, bỏ tiết, không chuẩn bị bài, thậm chí là ngủ trong giờ học. Chính mô hình HS tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm giúp phần lớn HS cư xử đúng hơn trong giờ học, vì các em hiểu rằng ngoài cô chủ nhiệm còn có kênh theo dõi khác là bạn học của mình” – cô Vy cho biết.
Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn nhận định: HS tham gia các hoạt động trong nhà trường một cách chủ động, được bộc lộ quan điểm, rèn luyện các kỹ năng và hình thành quan hệ tốt trong giao tiếp với thầy cô và bạn bè. Từ khi triển khai mô hình HS tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, nhiều GV chủ nhiệm tiếp nhận những thông tin phản hồi từ HS để ngăn chặn kịp thời hiện tượng HS rủ nhau trốn tiết đi chơi hoặc tụ tập đánh lộn.
Nguồn GDTĐ