Để có tác phẩm giá trị về vùng dân tộc thiểu số

Ra mắt Ban chấp hành Hội VHNT các DTTS Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: Thanh Thuận

Hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số

Đến nay, Hội VHNT các DTTS Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, 40 tổ chức cơ sở Hội và chi hội của 40 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc các chuyên ngành: Văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, nhiếp ảnh, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian. Cán bộ quản lý văn hóa dân tộc gồm nhiều thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mông, Lô Lô, Phù Lá, Pa Dí, Bố Y, La Chí, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Raglay, Hrê, M’nông, Xtiêng... Nhiệm kỳ 2014-2019, Hội VHNT các DTTS đã thành lập thêm 8 chi hội, kết nạp thêm 135 hội viên thuộc các chuyên ngành và các thành phần dân tộc khác nhau.

Bên cạnh đó, Hội VHNT các DTTS đã hướng các hoạt động về địa bàn miền núi và vùng đồng bào DTTS..., cho ra đời những sáng tác có giá trị. Hội đã triển khai xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ DTTS và những người hoạt động VHNT gắn bó, tâm huyết với miền núi và đồng bào DTTS..., phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh hội viên bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ sáng tạo, trao giải thưởng, cử theo các lớp tập huấn, trại sáng tác đối với lực lượng trẻ, vinh danh những văn nghệ sĩ cao tuổi đã có nhiều cống hiến...

Cùng với đó, Hội cũng từng bước củng cố, đổi mới hoạt động của Hội và các tổ chức cơ sở ở các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ người DTTS. Những công việc này đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa DTTS, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng...

Trong 5 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ người DTTS xuất hiện khá đông đảo, có nhiều tác phẩm phục vụ đồng bào DTTS. Các đề tài sáng tác đã mở rộng hơn, VHNT các DTTS từng bước bắt nhịp vào đời sống của đồng bào DTTS, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời phê phán cái xấu, cái ác, lạc hậu, có tác phẩm đi sâu vào khai thác thân phận con người vùng DTTS và miền núi. Điều đáng chú ý là ngày càng nhiều tác giả người DTTS có ý thức quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và sáng tác song ngữ.

Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc trong nhiệm kỳ qua đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Hàng trăm công trình sưu tầm, nghiên cứu biên dịch các loại hình văn nghệ dân gian của các dân tộc ở Tây Nguyên, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mông... của các tác giả DTTS được biên soạn công phu và có giá trị cao, được ra mắt bạn đọc.

Nỗ lực sáng tác nhiều tác phẩm ở tầm cao mới

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Hội cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng, tập hợp đoàn kết văn nghệ sĩ DTTS nỗ lực sáng tác nhiều tác phẩm VHNT có nội dung, tư tưởng và nghệ thuật ở tầm cao mới, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống vùng dân tộc miền núi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT ngày càng cao của đồng bào dân tộc cả nước. Hội nâng cao nhận thức cho các văn nghệ sĩ trong đấu tranh phản bác, chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực VHNT.

Hội có chính sách đãi ngộ, tôn vinh tác giả, tác phẩm tiêu biểu, các văn nghệ sĩ cao tuổi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp VHNT các DTTS; đẩy mạnh phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng những nhân tố mới có năng khiếu sáng tạo VHNT, đặc biệt là các tác giả trẻ là người DTTS ở các vùng miền trên cả nước. Hội có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ DTTS ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng...

Nhà thơ Mai Liễu, Ủy viên Ban chấp hành nhiệm kỳ mới (2019-2024) cho biết: “Tôi nghĩ, tìm giải pháp phát triển hội viên trong các địa phương miền núi và vùng DTTS là yêu cầu bức thiết. Để làm tốt điều đó cần có sự cộng tác của các ngành chức năng, Hội VHNT các địa phương có đồng bào DTTS, đặc biệt, phải kể đến lực lượng BĐBP, các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám bản, bám địa bàn biên giới mà dân cư chủ yếu là người DTTS. Cần phát triển hội viên ngay trong cán bộ, chiến sĩ Biên phòng có năng khiếu sáng tác và sưu tầm văn hóa dân tộc nơi địa bàn hoạt động. Từ những hạt nhân đó lan tỏa nhu cầu sáng tác và hưởng thụ VHNT dân tộc trong con em các dân tộc nơi địa bàn các đồn Biên phòng quản lý”.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu lý luận phê bình VHNT theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phấn đấu có thêm những tác phẩm chất lượng, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần dân tộc, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc về cuộc sống con người vùng DTTS, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Các hội viên đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm, công trình VHNT về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam cho biết: “Trong nhiệm kỳ mới, Ban chấp hành Hội sẽ cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra, đưa hoạt động của Hội cũng như sự nghiệp VHNT các DTTS có những bước phát triển hơn nữa, phù hợp và theo kịp sự phát triển đất nước trong thời kỳ mới”.


Nguồn: Báo Biên Phòng