Dạy trực tuyến: Lọc nội dung, giảm thời lượng

Nhiều hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục cho biết, khi dạy trực tuyến, sẽ chọn lọc nội dung, giảm thời lượng để không gây áp lực cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Giang (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Xuân Thu, cho biết, ở địa bàn, nhiều phụ huynh là công nhân, đi làm theo ca kíp, không có thời gian đồng hành, hỗ trợ con học. Chưa kể, thiết bị điện tử họ có cũng chỉ là chiếc điện thoại cũ, em học, anh không có để dùng.

Bà Bùi Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Nội), nói: “Năm học mới, những tuần đầu, học sinh chủ yếu làm quen, ôn lại kiến thức rồi mới dạy học chương trình mới. Các bài học trực tuyến đảm bảo nhẹ nhàng, cung cấp kiến thức cơ bản, cốt lõi, không học quá nhiều, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh”.

Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nói rằng, vì dịch bệnh, đến nay, nhiều học sinh còn chưa nhận được SGK, nhưng sách sẽ được chuyển đến tay các em trước khai giảng. “Điều may mắn là ở địa bàn có 100% học sinh đủ thiết bị để học. Nhưng để đạt hiệu quả, học trực tuyến rất cần có sự hỗ trợ, đồng hành cùng con”, ông Hải nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn vừa ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, yêu cầu các trường học có kịch bản ứng phó với tình huống dịch kéo dài, diễn biến phức tạp. Các trường linh hoạt tổ chức lễ khai giảng trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Hải, các lớp học trường công lập dù đông nhưng không thể chia tách để dạy nhiều ca vì như vậy, giáo viên phải làm việc với thời lượng gấp đôi. Học sinh cũng không thể học quá nhiều thông qua màn hình vì sức khỏe dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học, lựa chọn nội dung cốt lõi, cơ bản, phù hợp dạy trực tuyến. “Đầu năm học mới, các trường lựa chọn nội dung tiếp cận nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh. Thời lượng cũng được bố trí phù hợp, không thể 7 tiết/ngày như học trực tiếp. Sau này, khi học sinh được quay lại trường học, sẽ dạy bổ sung các nội dung cũng như hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập trung khác”, ông nói.

Các địa phương có lượng người từ vùng dịch về nhiều như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá… đang rà soát, yêu cầu các trường tạo thuận lợi nhất để tiếp nhận học sinh tiếp tục học tập. Thái Bình đã quyết định cho xe đón 27 học sinh từ vùng dịch trở về quê để kịp năm học mới.

Nguồn Tienphong